Sáng 25.10, trong buổi làm việc liên quan tới kế hoạch triển khai địa chỉ IPv6 tại Việt Nam, ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia đã có những đánh giá liên quan tới công tác triển khai IPv6 theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, các bên cũng ghi nhận những khó khăn và nguyện vọng mở rộng chính sách để nhiều đơn vị cùng tham gia triển khai IPv6, làm giàu thêm về nội dung, giúp việc quảng bá chuyển đổi các ứng dụng, dịch vụ lên nền tảng IPv6 ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
IPv6 là tương lai của internet khi số lượng địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt.
Theo ông Tân, FPT Telecom hiện đang là đơn vị tiêu biểu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi IPv6, nhờ nắm bắt được xu thế và nhận định đúng hướng sự phát triển của IPv6 trên toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng.
"Công việc này góp phần giải quyết các vấn đề về không gian, địa chỉ Internet và phát triển công nghệ trong thời gian sắp tới", ông Tân đánh giá.
Buổi làm việc, đánh giá tình hình triển khai địa chỉ IPv6.
Theo số liệu thống kê của Akamai, tính tới ngày 15.10.2016, nhà mạng FPT Telecom đang đứng thứ 47 trong công tác triển khai địa chỉ IPv6 so với 191 nhà mạng khác trên thế giới.
Trong khi đó, theo số liệu của tổ chức World IPv6 Launch, tính tới ngày 14.9, nhà mạng FPT Telecom đứng thứ hạng 121/255 nhà mạng trên thế giới có tham gia tổ chức này, tăng 34 bậc so với thời điểm 11.5.2016.
Nhà mạng này chính thức triển khai IPv6 từ ngày 1.7.2016, hiện đã ghi nhận gần 600.000 hộ gia đình được kích hoạt IPv6. Và theo lộ trình trong tương lai, nhà mạng sẽ cập nhật tính năng đăng ký chuyển đổi IPv6 trực tiếp trên ứng dụng.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2016, nhà mạng này sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 700.000 - 750.000 hộ gia đình sử dụng IPv6. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có hơn 1 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ broadband của họ được kích hoạt IPv6, và tự động hóa chuyển đổi lên nền tảng IPv6 khi đăng ký mới dịch vụ.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos vào đầu năm nay, các nhà lãnh đạo đã khẳng định: Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 sẽ có tốc độ và quy mô vô cùng lớn. Nó có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Trong đó, nền tảng IPv6 sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của Internet, Internet of Things (IoT), Cloud, Mobile, Social và Analytics là nền tảng cho sự thay đổi này. Để đáp ứng được sự phát triển vượt bậc, mạng viễn thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.
Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt chính là sự cạn kiệt của không gian địa chỉ IPv4. Địa chỉ IPv4 chỉ có khả năng cung cấp cho 4 tỉ thiết bị kết nối internet, con số lượng này nhỏ hơn dân số của thế giới và nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng các thiết bị có khả năng kết nối internet ngày nay cũng như trong tương lai, chẳng hạn máy tính, điện thoại, TV, đồng hồ, xe hơi, tủ lạnh,…
Chính vì vậy, giao thức IPv6 (viết tắt của Internet Protocol version 6) đã ra đời như một giải pháp công nghệ mới giúp duy trì hoạt động internet ổn định lâu dài trong tương lai.