Trước đó, thành phố đã ban hành chương trình phát triển đàn bò sữa trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Điều này cho thấy thành phố đang điều chỉnh lại việc nuôi và phát triển bò sữa trước sự cạnh tranh của sữa ngoại.
Tại huyện Bình Chánh, gần đây đã xuất hiện một trại bò thịt hơn 140 con. Chị Hoàng Thị Hưng (xã Lê Minh Xuân) cho biết, nuôi bò thịt tuy vất vả nhưng đầu ra khá tốt và ổn định giá cả hơn nuôi bò sữa. “Trước đây, tôi cũng có nghĩ đến nuôi bò sữa, nhưng thấy giá sữa bấp bênh quá nên đầu tư nuôi bò thịt” - chị Hưng nói.
Chị Nguyễn Thị Hưng đang chăm sóc đàn bò thịt. Ảnh: T.T
Theo Hội ND huyện Củ Chi, thời gian qua, do khủng hoảng giá sữa bò, có khoảng 1.200 hộ nuôi bò sữa chuyển sang nuôi bò thịt. Một trong những người nuôi bò thịt bài bản nhất ở Củ Chi là chị Lê Thị Thanh Huyền (xã An Nhơn Tây - một trong những nơi đi đầu việc sử dụng tinh giống bò thịt cao sản nước ngoài). Hiện chị Huyền có 2 trại nuôi bò thịt ở xã An Nhơn Tây và xã Nhuận Đức với trên 400 con. Theo chị, hộ nuôi lấy công làm lãi hiệu quả hơn trại nuôi công nghiệp. Hơn nữa, dù giá bán tại trại giảm xuống, nhưng giá bán trên thị trường vẫn không đổi. Đây là những điều cần được lưu ý. Hiện ở Củ Chi, nghề nuôi bò thịt đã trở thành chương trình phát triển song hành cùng chương trình phát triển bò sữa của thành phố.
Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT thành phố, để triển khai tốt chương trình nuôi bò thịt, thành phố sẽ cho nhập nguồn tinh bò thịt chất lượng cao nhằm cải thiện giống bò lai hướng thịt. Nông dân tham gia chương trình nuôi bò thịt sẽ được thành phố hỗ trợ 100% giá trị 2 liều tinh và chi phí để phối giống cho 1 bò cái. Nếu bò lai sind địa phương nuôi đến 18 tháng tuổi chỉ đạt 210 - 230kg/con, thì bò sử dụng dòng tinh BBB (mẹ lai sind) cho đến 380 - 400kg/con. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ cho xây dựng trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi giống bò thịt, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi bò thịt, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu giống bò thịt TP.HCM.