Theo bà Bùi Thị An – Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, tất cả mọi việc liên quan đến dân, trước khi làm phải xin ý kiến dân, đó là nguyên tắc. Trong việc nhận quà cứu trợ hay tiền từ thiện, cái quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng. Đối tượng ở đây cũng phải được bình bầu từ dân, những người có trách nhiệm thuộc các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên…
“Nếu xác định đối tượng sai dẫn đến người khó khăn chưa nhận được giúp đỡ, muốn chia lại thì cũng phải lấy ý kiến lại. Đặc biệt thông báo cho những tổ chức làm từ thiện để họ biết. Lãnh đạo thôn có thể nói rằng: trước đây chúng tôi xác định đối tượng chưa hợp lý nên dẫn đến nhiều người khó khăn không nhận được hỗ trợ, giờ xin ý kiến để xác định lại. Khi tất cả đều đồng thuận thì mới được làm chứ chính quyền không được làm một mình” – bà An khẳng định.
Người dân thôn Trung Thôn chưa kịp mừng vì nhận được 500 nghìn đồng từ đoàn cứu trợ thì đã bị lãnh đạo thôn đến thu lại. Ảnh: Dân Trí
Cũng theo bà An, tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính thì phải minh bạch đến tận cùng. Khi đã minh bạch rồi phải làm mọi cách để dân có thể biết và giám sát. Lãnh đạo các địa phương cũng phải kiểm tra thường xuyên xem thực sự dân đã biết, đã hiểu những điều mình công khai minh bạch chưa?
“Việc tự ý truy thu tiền cứu trợ từ 40 hộ dân ở Ba Đồn là sai. Nhưng, sai có thể sửa. Họ có thể đứng ra xin lỗi dân, đề hướng giải quyết hợp lý được dân ủng hộ” - bà An nói.
Ở khía cạnh khác, chị Phạm Thị Cẩm Nhung – Nhóm từ thiện Chia sẻ yêu thương (Hà Nội) lại cho rằng, lãnh đạo thôn có thể xin lỗi, trả lại tiền hoặc sửa sai. Nhưng cái mà họ đánh mất chính là niềm tin của những người làm từ thiện.
“Khi làm công tác thiện nguyện, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, các đoàn từ thiện luôn phải cân nhắc việc tiền, quà của mình có đến được đúng đối tượng cần giúp đỡ không? Tiền, quà sử dụng có được công khai không? Có thất thoát gì không? Chính vì vậy, thường thì các đoàn sẽ đi cùng với các cơ quan báo chí để được minh bạch từ hình ảnh đến thông tin người nhận” – chị Nhung chia sẻ.
Trước đó, ngày 22.10, có một đoàn từ thiện ở TP HCM ra trao khoảng 40 suất quà cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau lũ lụt tại thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn – Quảng Bình). Mỗi suất trị giá 500.000 đồng cùng một phần quà hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đoàn cứu trợ vừa rời khỏi thì nhiều cán bộ thôn Trung Thôn đã đến tận nhà thu lại 400.000 đồng mà người dân được hưởng với lý do là để "chia đều" cho toàn bộ người dân trong thôn.