Nước dừa rám lạt, không ngon, nhưng bọn trẻ tụi tôi ưa thích. Uống mấy hơi đã khát. Nhưng sướng nhất là khi được một cái mộng dừa trắng ngà, tròn như tay nấm. Cắn một cái, mộng dừa mềm mụp. Nhai. Thầm nghe vị ngọt có chút dầu tươm kẽ răng.
Ngày nay hiếm ai còn thắng dầu dừa theo cách làm thủ công. Ảnh: T.L
Đập dừa xong tới phần nạo. Tôi thích được má sai làm công việc này. Vì, ngồi trên bàn nạo giống như cỡi ngựa. Hai tay cầm một nửa miếng dừa ấn mạnh lưỡi bàn nạo, sau những tiếng kêu rột rột là những sợi dừa trắng đục rơi lả tả xuống mâm thau bên dưới. Vừa nạo vừa bốc cơm dừa ăn đã thú. Nhưng thích hơn hết là những sợi cơm dừa mới nạo đầu tiên, mềm ngọt chân răng.
Cơm dừa nạo được các chị mạnh tay nhào trộn nhiều lần trong nước ấm, vắt qua khăn the để lấy hết phần nước dừa đục. Nước dừa này cho vào chảo lớn, nấu trên bếp lửa lớn ngọn. Nước sôi thì cho lửa nhỏ, chảo thắng dầu sôi những bọt nước lăn tăn. Thật lâu mới có những nhúm bột màu nâu đen nổi mặt chảo. Người ta gọi một cách dân dã là “cứt dừa”. Cứt dừa được vớt để lên cái vỉ đặt một bên miệng chảo để dầu dừa chảy xuống chảo không hao hụt. Khi mặt chảo không còn nổi lên những giề màu nâu đen, ấy là lúc chảo dầu dừa đã thắng xong.
Thường thì má và các chị lấy dầu dừa xoa vào lòng bàn tay rồi hòa trộn mái tóc khiến nó bóng mượt, đẹp, lại có mùi “thơm” hăng hăng của thực vật nấu qua lửa củi. Dầu dừa còn dược má dùng chiên xào các món chay, ngâm với con rết còn sống sẽ là thứ thuốc xức trị ghẻ đại tài, trị táo bón…
Giờ xa quê, má khuất núi, các chị lấy chồng xa, tôi chẳng còn dịp hòa mình trong không khí thắng dầu dừa. Mỗi lần nhớ lại ngày xưa, tôi lại thấy lòng mình nao nao...