Dân Việt

Tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị oan sai

Ngọc Lương 27/10/2016 14:32 GMT+7
Cụ thể, thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Sáng 27.10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đọc tờ trình trước Quốc hội dự án Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật có 9 chương, 78 điều, so với Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều.

Một điểm mới rất đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định “đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại“.

Dự thảo Luật đã bỏ quy định về kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường của cơ quan tài chính có thẩm quyền, thay vào đó, quy định trong quá trình thương lượng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Viện kiểm sát (trong hoạt động tố tụng) là thành phần bắt buộc tham gia để bảo đảm việc thương lượng được thống nhất ngay từ đầu, khách quan, minh bạch.

img

Vụ ông Huỳnh Văn Nén đòi bồi thường oan sai được dư luận quan tâm.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật), đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường.

Lý giải về vấn đề này ông Định cho biết: trong thực tiễn có những vụ việc yêu cầu bồi thường mà một số thiệt hại và mức bồi thường đã được pháp luật xác định tương đối rõ, có thể tính toán được ngay thì việc ứng trước cho người bị thiệt hại sẽ góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho họ.

"Để bảo đảm chặt chẽ, tránh áp dụng tùy tiện thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được tạm ứng, điều kiện được tạm ứng kinh phí bồi thường, tránh việc lạm dụng" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Một điểm mới nữa là so với Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, dự thảo Luật đã quy định tăng mức thiệt hại về tinh thần trong một số trường hợp như: Bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam. Việc tăng mức bồi thường cho các thiệt hại nêu trên cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Cụ thể, thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Mức bồi thường của Luật hiện hành là 3 ngày lương/ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều nay (27.10).