Nâng giá trị, chất lượng
Ông Ngô Đình Thiện - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên cho hay, hiện đã có 7 dự án đầu tư tại khu này, trong đó có 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất, 2 dự án đang triển khai lập thủ tục đầu tư và 1 dự án đã có chủ trương đầu tư. Để cụ thể hóa những hỗ trợ, hợp tác trong việc ứng dụng CNC, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên đã ký kết với Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc (DNTN Thủy sản Đắc Lộc), Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp nông nghiệp ứng dụng thuộc Trường Đại học Đà Lạt; các DN Nhật Bản, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà (phải) trao giấy chứng nhận cho Thủy sản Đắc Lộc về ứng dụng CNC trong ương giống, nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đ.L
Nhiều năm qua, Đắc Lộc cũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác thiện nguyện tại địa phương như đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa; góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn… với số tiền hàng tỷ đồng. Trong đợt lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho nông dân tại miền Trung vừa qua, Đắc Lộc là một trong những doanh nghiệp đầu tiên qua Báo NTNN ủng hộ bà con 20 triệu đồng. |
Phú Yên cũng đã ký kết hợp tác với những địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC như Khu nông nghiệp CNC TP.HCM, tỉnh Lâm Đồng... nhằm trao đổi, cung cấp thông tin và kinh nghiệm vận hành khu nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hợp tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào đây sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cũng như hỗ trợ đầu tư theo quy định của Chính phủ với mức vận dụng có lợi nhất cho nhà đầu tư, như: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu.
Theo ông Ngô Đình Thiện, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên là nơi tập trung thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển CNC vào lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu nhằm hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng CNC với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và DN tham gia đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Trọng tâm là thủy sản
Ngoài quy hoạch trại giống mía công nghệ cao diện tích 25ha, ban hành danh mục đối tượng thực nghiệm, trình diễn, chuyển giao và sản xuất sản phẩm CNC đối với sắn, bông vải, rau an toàn, giống hoa, cây ăn quả, nấm, cây dược liệu thì về thủy sản, DNTN Thủy sản Đắc Lộc sẽ triển khai dự án vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản CNC tại thị xã Sông Cầu, cụ thể là nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Lê Hữu Tình - Phó Tổng Giám đốc DNTN Thủy sản Đắc Lộc thông tin: Đắc Lộc đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Với chứng nhận này, Thủy sản Đắc Lộc đã trở thành một trong những DN nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận GlobalGAP.
“Với quy trình sản xuất khép kín, Thủy sản Đắc Lộc đã và đang kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm tôm của Đắc Lộc đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới” – ông Tình nói.
Thực tế, tại Phú Yên, Đắc Lộc được xem là DN hàng đầu về thủy sản. Chỉ trong 10 năm qua, Đắc Lộc cung cấp khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao, hơn 8 triệu con giống cá chẽm và nhiều loại giống thuỷ hải sản khác ra thị trường. Đắc Lộc thu mua và cung cấp cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh hơn 10.000 tấn tôm thẻ nguyên liệu mỗi năm.
Đặc biệt, về sản xuất công nghệ cao, Thủy sản Đắc Lộc được UBND tỉnh Phú Yên tín nhiệm giao thực hiện khu sản xuất giống thủy sản CNC và nuôi thực nghiệm diện tích 50ha tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).