Các “cô gái vàng”
Đến từ một bản nghèo ở Kon Tum, cô gái Ba Na với họ và tên rất “gọn gàng” là Thức, sinh năm 1996 có chiều cao lý tưởng 1m73. Thức là sinh viên năm thứ 2 khoa Điền kinh - Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng. Cái duyên để trở thành sinh viên và gắn bó với môn thể thao này cũng chính là từ chiều cao “khác thường” của em. “Từ cấp 2, em đã cao hơn rất nhiều so với bạn bè lứa tuổi. Bản tính thích chạy nhảy nên được thầy cô chọn vào đội tuyển tham dự các môn thể thao như nhảy cao, điền kinh các cấp. Có duyên với giải nên từ đó em xác định sẽ gắn bó với nghiệp thể thao” - Thức nói.
Thức (trái) nhận bằng khen từ Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên. Ảnh: T.A
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh căn dặn các học sinh, sinh viên, vận động viên không bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện, vươn ra du học để trở thành nhân tài trở về phục vụ đất nước, là những vận động tiêu biểu hiện diện ở những đấu trường quốc tế. |
Khi quyết định chọn ngành này, gia đình cũng không thích vì nghĩ con gái học thể thao sẽ vất vả. Hơn nữa, Thức là người dân tộc Ba Na, ở nơi em sinh sống, rất hiếm người theo học thể thao, đặc biệt môn điền kinh này.
“Khi em thi đậu vào trường rồi và lên Đà Nẵng học, bố mẹ không ngăn cản nữa. Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, bố mẹ đều đã già và chỉ làm nông, các anh chị của em đều có gia đình riêng nhưng không đỡ đần được nhiều cho bố mẹ. Tiền chi tiêu sinh hoạt của em tại trường cũng chỉ được bố mẹ cấp “chút đỉnh”. May mắn, em có học bổng dành cho học sinh DTTS”- Thức chia sẻ. Cũng vì niềm đam mê thể thao, Thức hy vọng sau khi ra trường em sẽ trở thành một vận động viên chuyên nghiệp, sẽ được tham gia cả giải đấu lớn và mang vinh quang về cho đất nước, khẳng định rằng một vận động viên người DTTS vẫn có thể làm nên kỳ tích.
Cũng chọn con đường thể thao chuyên nghiệp, em Quách Thị Lan (dân tộc Mường) quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa được vinh danh là “cô gái vàng” điền kinh của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Mới 21 tuổi nhưng Lan đã từng “kinh qua” rất nhiều giải đấu chuyên nghiệp và dành được nhiều huy chương. Tại ASIAD tổ chức năm 2014 tại Hàn Quốc, Lan đoạt Huy chương Bạc. Trong 2 lần tham gia SEAGames, em cũng đoạt 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.
Lan chia sẻ: “Chọn nghiệp thể thao là một sự hy sinh rất lớn đối với phụ nữ, sức khỏe, nhan sắc cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đã đam mê, em sẽ theo đuổi đến cùng. Sinh ra ở vùng khó nên em rất vui vì có nhiều bạn học sinh DTTS như em đã chọn con đường này để dấn thân và lập nghiệp. Dù không có lợi thế từ ban đầu, nhưng em tin mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp”.
Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Thức và Lan chỉ là 2 trong số 154 học sinh, sinh viên, vận động viên, giáo viên người DTTS tiêu biểu, đại điện cho 31 dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện đến từ 24 cơ sở đào tạo và 2 trung tâm huấn luyện thể dục thể thao về dự chương trình giao lưu, gặp mặt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 27.10.
Trong buổi gặp gỡ tại Phủ Chủ tịch sáng 27.10, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ghi nhận và biểu dương thành tích từ “những bông hoa rừng” mang về cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, đây là những tấm gương minh chứng cho sự cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện không mệt mỏi, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.
Nhấn mạnh những tấm gương tiêu biểu là nhân tài trong cộng đồng dân tộc còn ít, Phó Chủ tịch nước căn dặn các học sinh, sinh viên, vận động viên không bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện, vươn ra du học để trở thành nhân tài trở về phục vụ đất nước, là những vận động tiêu biểu hiện diện ở những đấu trường quốc tế.