Dân Việt

Nghịch lý học nghề: Cử nhân mê, học sinh chê

Tùng Anh 28/10/2016 06:28 GMT+7
Hiện nay, nguồn tuyển chính của các trường trung cấp nghề thường là học sinh trượt tốt nghiệp THCS, THPT, trượt đại học (ĐH). Nghịch lý là học sinh không mặn mà. Còn các cử nhân lại hối hả “ngược đường” đi học nghề để tránh thất nghiệp.

Cả trường có… 9 hồ sơ

Mới đây, Trường Cao đẳng miền Nam đã phải thông báo trả lại hồ sơ và học phí cho sinh viên xét tuyển vào hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của trường vì không đủ số lượng để mở lớp. Theo đại diện phòng đào tạo trường này, 14 ngành đào tạo hệ TCCN của trường nhưng chỉ có 2 ngành là xây dựng dân dụng công nghiệp và ngành sư phạm mầm non là nhận được hồ sơ. Các ngành còn lại dù đã thông báo nhiều đợt vẫn không nhận được hồ sơ nào. Chốt lại các đợt xét tuyển, chỉ có… 9 học sinh nộp học phí nhập học, vì vậy trường phải gọi điện đến từng em để trả lại hồ sơ.

img

Học sinh học nghề may tại Trường  Trung cấp nghề Hoa Sữa (Hà Nội).  Ảnh: Tùng Anh

Cần nhanh chóng đẩy mạnh công tác phân luồng từ THCS, tuyên truyền mạnh nhận thức cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong định hướng việc làm. Ngoài ra, cần công khai tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên, đưa ra dự báo nhân lực các ngành nghề trong tương lai gần, tương lai xa để các em lựa chọn”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – 
Giám đốc Trung tâm Giới thiệu
việc làm Thanh niên Hà Nội

Trước đó, Trường Trung cấp kỹ thuật cơ khí Giao thông đã phải xin giải thể do nhiều năm liên tiếp không tuyển sinh được. Các trường TCCN tại Hà Nội và các thành phố lớn khác cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin, các trường TCCN tại Hà Nội năm nay cũng mới tuyển được hơn 50% chỉ tiêu. Có tới 25% trường trên địa bàn không tuyển sinh nổi. Sở GDĐT Quảng Ninh cũng thông tin, 23 cơ sở đào tạo hệ TCCN với quy mô hơn 7.000 chỉ tiêu đã giảm mạnh so với những năm  trước.

Một trong những lý do các trường TCCN “ế” là do nhiều học sinh không thích học nghề. Nguyễn Thị Lan – cựu học sinh Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) trượt ĐH nhưng không học nghề mà đi xuất khẩu lao động. Lan nói: “Học nghề lẹt đẹt rồi ra trường không biết có xin được việc không nên em quyết định đi xuất khẩu lao động kiếm vốn về mở cửa hàng buôn bán”.

Không chọn học nghề cũng là quyết định của rất nhiều học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không vào được ĐH.

Học nghề chống thất nghiệp

Anh Nguyễn Văn Hưng (Tiền Hải, Thái Bình) là một trong số cử nhân “đi ngược” trong trào lưu này. Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội khoa Kế toán, Hưng vác hồ sơ chật vật xin việc suốt 2 năm ở Hà Nội, rồi về Thái Bình đều không được. Theo lời khuyên của anh trai, Hưng quyết định xét tuyển vào Trường Trung cấp nghề Thái Bình khoa Điện công nghiệp để sau này ra trường đi làm công trình với anh. Hưng cho biết: “Học nghề 2 năm, ra trường có thể đi làm luôn. Lương ngành này cũng khá, có thể phát triển được”.

Hưng không phải là trường hợp cá biệt, hiện nhiều trường TCCN, trung cấp nghề tại Hà Nội cũng có tỷ lệ cử nhân đi học nghề tương đối lớn, chiếm khoảng 20% như Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội. Tương tự, tại Trường Trung cấp Y dược Hà Nội, lãnh đạo trường này cho biết, trong số khoảng 1.000 học viên của trường, có tới 50% đã có bằng ĐH.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II.2016 vừa được Bộ LĐTBXH công bố, nhóm lao động có số người thất nghiệp nhiều nhất thuộc về những người có trình độ ĐH trở lên với 191.300 người, sau đó mới là nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người. Đây cũng là lý do các chuyên gia cho rằng, những năm tới, tình trạng cử nhân đi học nghề sẽ còn gia tăng.

Tuy nhiên, nguồn “cử nhân” xét tuyển vẫn không thể bù lấp chỉ tiêu của rất nhiều trường nghề khi lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào trường nghề đang giảm. Lãnh đạo nhiều trường dạy nghề phàn nàn, họ không thể hiểu nổi, những học sinh này đi đâu, làm gì? “Mùa tuyển sinh vừa qua, cả nước chỉ có 40% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Lẽ ra, đây là con số đáng mừng, nhưng không hiểu sao 60% học sinh còn lại vẫn không nộp hồ sơ xét tuyển. Vậy các em đi đâu? Về đâu?” – lãnh đạo một trường TCCN đặt câu hỏi.