Trước đó, bệnh nhân Hà Thị L, trú tại huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), vào viện trong tình trạng đau đầu, nói ngọng, liệt nửa người trái gần hoàn toàn. Trước khi vào viện 2 tháng, người bệnh bị co giật 3 cơn, sau đó xuất hiện đau đầu, nói ngọng, yếu nửa người bên trái tăng dần. Kết quả xét nghiệm đã cho thấy, bệnh nhân L. bị u màng não kích thước lớn (8,1 x 6,3cm) vùng thái dương đỉnh bên phải. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, hình ảnh trên phim chụp cho thấy, khối u rất giàu mạch máu, có nguy cơ chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật, gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiệp nút động mạch để cầm máu trước mổ.
Bệnh viện Phú Thọ đã mở hội chẩn liên khoa giữa khoa Ngoại thần kinh - lồng ngực và khoa Chẩn đoán hình ảnh để tìm phương án giải quyết. Các bác sỹ đã quyết định phương án thực hiện nút mạch khối u trước phẫu thuật. Kỹ thuật nút mạch tiền phẫu u màng não là một kỹ thuật cao, đòi hỏi chuyên môn sâu. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, do các bác sỹ của Bệnh viện trực tiếp thực hiện.
BS. Trần Quang Lục - khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: "Khối u màng não của người bệnh khá lớn, lại giàu mạch máu. Nếu không được nút mạch, người bệnh có nguy cơ chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật, kéo dài thời gian phẫu thuật, kéo dài thời gian hồi sức, đồng thời gặp nhiều nguy cơ rủi ro". Thực hiện kỹ thuật nút mạch khối u, các bác sỹ đã sử dụng các ống thông đi từ động mạch đùi ở vị trí nếp bẹn, đưa lên các mạch máu nuôi khối u ở trên não. Sau đó sử dụng các vật liệu chuyên dụng để nút tắc các mạch máu này.
6 ngày sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục sức khỏe rất tốt, không còn đau đầu, tình trạng liệt đã được cải thiện rõ rệt, đang trong quá trình khôi phục vận động và đã tự đi lại được.
Thời gian qua, khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận. Nhiều bác sĩ được cử đi học sau đại học, và học các kỹ thuật chuyên sâu về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh nói chung và Điện quang can thiệp nói riêng. Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán hình ảnh đã giúp các bác sĩ thực hiện được nhiều ca phẫu thuật khó, bệnh lý phức tạp - những ca mà thời gian trước các bác sĩ ở tỉnh “nằm mơ” cũng không dám nghĩ tới.
Những kỹ thuật mới trong chẩn đoán hình ảnh đã được áp dụng như: Nút mạch điều trị u xơ tử cung; nút mạch điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung; nút mạch điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt; nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan; nút giả phình động mạch tạng (gan, lách, thận) gây chảy máu tiêu hóa, chảy máu trong ổ bụng, bao gan, hoặc gây đái máu do vỡ các túi giả phình này; nút mạch cầm máu trong chấn thương tạng hoặc xương chậu gây mất máu nhiều; nút mạch điều trị ho ra máu do lao phổi, giãn phế quản; Nút mạch tiền phẫu u màng não và các khối u khác ở vùng đầu mặt cổ…
Bệnh nhân Hà Thị L. đã tỉnh táo. Ảnh: BSCC
Theo các bác sĩ, ưu điểm của phương pháp điều trị can thiệp điện quang là giảm tổn thương (xâm nhập tối thiểu chỉ cần gây tê tại chỗ xâm nhập); không cần phẫu thuật mở; nhời gian nằm viện ngắn, cải thiện sức khỏe nhanh (ví dụ với các bệnh lý tử cung chỉ cần nằm viện 1-2 ngày sau can thiệp và có thể làm việc, công tác được ngay sau khi ra viện); nhông ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe toàn thân; ít biến chứng.
Với sự phát triển vượt bậc về mặt kỹ thuật, thời gian tới, BV Phú Thọ cũng chú trong nâng cao chất lượng điều trị trong các chuyên ngành thần kinh và ung bướu.