Thiên thể ngoài sao Hải Vương mang tên Niku quay ngược với quỹ đạo thông thường. Ảnh minh họa: Caltech.
Nhóm nghiên cứu quốc tế công bố chi tiết về Niku (nghĩa là "nổi loạn" trong tiếng Trung Quốc), thiên thể bí ẩn gần sao Hải Vương, chuyển động theo hướng ngược với gần như tất cả hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, trong hội nghị thiên văn diễn ra ở Pasadena, California, Mỹ hôm 17.10, theo Nature World News.
Các nhà khoa học phát hiện Niku hồi tháng 8 năm nay bằng cách sử dụng kính viễn vọng Pan-STARRS. Niku là thiên thể có đường kính gần 200 km và kém sáng hơn sao Hải Vương 160.000 lần. Nó quay theo quỹ đạo trên một mặt phẳng nghiêng 110 độ so với mặt phẳng của các vật thể còn lại trong hệ Mặt Trời. Phần lớn các vật thể ngoài sao Hải Vương nằm trong quỹ đạo ít nghiêng hơn.
Các nhà khoa học chưa thể giải thích nguyên nhân khiến nó quay ngược với quỹ đạo thông thường. Một số ý kiến cho rằng lực hấp dẫn của một vật thể lớn ảnh hưởng tới quỹ đạo bất thường của Niku. Tuy nhiên, các giả thuyết đưa ra đều chưa đủ sức thuyết phục.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện một cụm 5 vật thể tương tự đang quay theo quỹ đạo giống Niku.
"Chúng không xuất hiện ngẫu nhiên trên bầu trời mà dường như được sắp xếp", Mathew Payne, đến từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Havard-Smithsonian, Cambridge, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, trả lời Space.
Theo Konstantin Batygin và Michael Brown, hai nhà vật lý học thiên thể ở Viện Công nghệ California, Mỹ, cụm 6 vật thể có thể bị phân tán xô lệch khỏi phần còn lại của hệ Mặt Trời do lực hấp dẫn của "hành tinh thứ 9", một hành tinh lớn hơn Trái Đất khoảng 10 lần và có thể nằm ở vị trí gấp 500 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời.
Một giả thuyết khác cho rằng nguồn gốc của cụm vật thể này là do "thủy triều ngân hà". Khi Mặt Trời quay theo quỹ đạo quanh trung tâm dải Ngân hà, nó di chuyển lên xuống bên trong đĩa của thiên hà và tạo ra "thủy triều ngân hà", gây ra nhiều hiệu ứng xáo trộn và có thể khiến một số thiên thể quay ngược chiều.