Đoạt nick Facebook lừa mua thẻ cào - trò cũ vẫn tái diễn
Ngày 24.10, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Khanh (19 tuổi, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản" theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.
Bước đầu xác định Khanh đã chiếm đoạt được trên 100 nick Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt trên 100 triệu đồng.
Trước đó, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Minh Thư (HKTT tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội), hiện đang sinh sống tại Đức. Chị Thư cho biết, chị sử dụng tài khoản Facebook "Minh Thu Nguyen".
Ngày 14.7, chị bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản trên rồi lừa đảo những người trong danh sách bạn bè. Một trong những người bị lừa là chị Đoàn Thanh Loan, ở Thái Nguyên.
Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh - đối tượng chuyên hack nick Facebook để lừa đảo.
Ngày 15.7, đối tượng dùng nick "Minh Thu Nguyen" của chị Thư chát với chị Loan nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại. Do hai người thường xuyên chát, trao đổi thông tin, nói chuyện trên mục tin nhắn của Facebook nên chị Loan tin tưởng, mua tổng số 29 thẻ cào của các nhà mạng trị giá 6,4 triệu đồng rồi chuyển mã thẻ cào cho đối tượng. Sau đó, chị Loan liên lạc điện thoại mới biết chị Thư đã bị mất nick Facebook.
Lần theo dấu vết kẻ đã hack nick Facebook của chị Nguyễn Minh Thư, Đội 3 PC50 Công an Hà Nội làm rõ đó là Phạm Văn Khanh. Vào thời điểm cơ quan công an xác minh, Khanh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trước những chứng cứ, dấu vết của Khanh để lại trên mạng Internet, đối tượng đã buộc phải thừa nhận là thủ phạm của hàng trăm vụ đoạt nick Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại trước đó.
Theo khai nhận của Khanh, sau khi học hết lớp 8, Khanh bỏ học, thường xuyên lang thang ở các quán Internet thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng để chơi điện tử. Từ cuối tháng 10.2014, Khanh phát hiện nhiều khách chơi tại quán dùng thủ đoạn hack nick Facebook của những người sử dụng mạng xã hội rồi nhờ mua thẻ cào điện thoại, sau đó bán thẻ quy ra tiền mặt chiếm đoạt.
Thấy việc lừa đảo này quá dễ, Khanh đã nhờ các đối tượng này hướng dẫn để làm theo. Khanh tìm vào các group người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, lựa chọn những đối tượng dễ chiếm đoạt tài khoản để tấn công.
Theo khai nhận của Khanh thì những người để mật khẩu tài khoản Facebook đơn giản nhất thường là phụ nữ. Chỉ cần đọc thông tin đăng công khai trên trang Facebook cá nhân của những người này, Khanh có thể dò ra mật khẩu bởi họ thường sử dụng các con số như ngày tháng năm sinh, số điện thoại của mình hoặc con cái làm mật khẩu Facebook.
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook, Khanh thay đổi mật khẩu để toàn quyền sử dụng, vào mục nhắn tin đọc, tìm hiểu cách nói chuyện của chủ tài khoản với những người trong danh sách bạn bè nhằm chọn lọc ra những người có quan hệ thân thiết nhất đang sinh sống tại Việt Nam, nhắn tin nhờ mua thẻ cào điện thoại để kinh doanh, bán cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài với lãi cao.
Tin nhắn trúng thưởng - một cái bẫy lừa đảo trên mạng xã hội.
Khanh chọn thời điểm nhắn tin lừa đảo vào giờ đêm khuya ở nước ngoài để nạn nhân khó kết nối liên lạc bằng điện thoại. Sau khi nạn nhân gửi mã thẻ cào, Khanh nạp vào tài khoản Vcoin để quy đổi thành tiền điện tử rồi bán lại cho người khác thành tiền mặt.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 10.2014 đến tháng 5.2016, bằng thủ đoạn trên, Phạm Văn Khanh đã hack được trên 100 nick Facebook và sử dụng để lừa đảo người thân, bạn bè của các chủ tài khoản mua hộ thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.
Đội 3 PC50 Công an Hà Nội đã bàn giao hồ sơ, tang vật và đối tượng Khanh cho Công an TP.Đà Nẵng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Ngày 6.10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh.
Giả danh trai Tây kết bạn để lừa đảo gây thiệt hại lớn nhất
Theo thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, tình trạng tội phạm lợi dụng mạng xã hội, trong đó có Facebook để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng.
Tính từ năm 2014 đến nay, PC50 Công an Hà Nội đã thụ lý điều tra 80 vụ việc liên quan đến loại tội phạm này với tổng số tiền thiệt hại lên đến gần 6,6 tỷ đồng. Nếu như trong năm 2014 mới chỉ xảy ra 13 vụ với thiệt hại 298 triệu đồng; năm 2015 xảy 34 vụ, thiệt hại gần 400 triệu đồng thì tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, PC50 đã tiếp nhận giải quyết 33 vụ việc với số tiền bị chiếm đoạt tăng đột biến lên đến gần 5,9 tỷ đồng.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội thời gian qua tập trung ở các thủ đoạn sau: Lừa đảo trong thương mại điện tử; chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội của người khác rồi giả danh chủ tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại là người thân quen của chủ tài khoản bằng cách nhờ mua hoặc đề nghị hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại; lừa thông báo trúng thưởng, yêu cầu bị hại chuyển tiền làm thủ tục nhận giải để chiếm đoạt; giả danh các nhà mạng viễn thông lừa đảo; giả danh là người nước ngoài kết bạn, tỏ tình rồi vờ gửi quà giá trị lớn bị hải quan tạm giữ tại sân bay, yêu cầu bị hại gửi tiền bảo lãnh để chiếm đoạt.
Đáng chú ý, trong các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội (xảy ra phổ biến ở mạng Facebook) thì thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh trai Tây kết bạn với phụ nữ để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại đặc biệt lớn. Trong vòng 1 năm (tính từ tháng 8.2015 đến nay), PC50 Công an Hà Nội đã tiếp nhận 15 vụ trình báo với số tiền thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, trong đó người mất nhiều tiền nhất là 5,4 tỷ đồng. Bị hại trong các vụ giả danh trai Tây để lừa đảo đa phần là phụ nữ đơn thân trong độ tuổi 40-45.
Qua mạng xã hội, đối tượng lập tài khoản có thông tin là người nước ngoài đang sinh sống tại các nước Anh, Mỹ, kết bạn rồi chát, tán tỉnh. Các đối tượng này thường sử dụng ảnh đại diện là một người đàn ông da trắng, ngoại hình hấp dẫn làm "mồi nhử" những phụ nữ đang cô đơn.
Nhiều vụ việc sau khi trình báo, kiểm tra lịch sử chát chít, tán tỉnh của bị hại với "trai Tây", thấy cả hai bên đều không thạo tiếng Anh, phải dùng Google dịch để nói chuyện với nhau. Chính vì không biết tiếng Anh nên khi bị đối tượng giả danh trai Tây tán tỉnh bằng "Google dịch", nhiều bị hại đã không nhận ra "anh Tây" rởm.
Sau thời gian trò chuyện, kết thân rồi tỏ tình, "trai Tây" thông báo gửi quà hoặc tiền cho bạn gái Việt Nam để tiến tới mối quan hệ dài lâu. Khi đã có chút tình cảm yêu đương với "Tây" thì những người phụ nữ này trở nên mê muội. Cộng thêm lòng tham trước món quà giá trị lớn "từ trên trời rơi xuống", những nạn nhân của "trai Tây" bị hút vào cái bẫy.
Tới đây, "trai Tây" chuyển sang kết nối với người Việt giả danh nhân viên hải quan hoặc người của công ty chuyển phát nhanh thông báo tiền, hàng đang bị cơ quan chức năng giữ ở sân bay, yêu cầu nạn nhân nộp phí bằng cách chuyển tiền vào tài khoản cho công ty để làm thủ tục thông quan, lấy hàng.
Đây là tài khoản thẻ Visa của một ngân hàng Việt Nam do đối tượng mở sẵn. Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng tổ chức rút tiền bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngay sau khi chiếm đoạt tiền thì "trai Tây" cũng tìm cách cắt liên lạc như xóa Facebook, hủy kết bạn với bị hại. Không ít nạn nhân vì xấu hổ đã âm thầm chịu đựng, không dám trình báo. Có người thì một thời gian sau mới đến cơ quan công an.
Tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội
Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá hàng tỷ đồng xảy ra trên mạng xã hội khiến mọi người đặt câu hỏi: Mạng "ảo" nhưng tại sao lại dễ bị lừa hơn cả ngoài đời thật như vậy? Lý giải điều này, thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, thực tế mạng xã hội có rất nhiều tiện ích khiến người tham gia ngày một tăng.
Ở những nơi không có sóng điện thoại nhưng có mạng Internet mới thấy tác dụng của mạng xã hội bởi tính tiện lợi trong liên lạc, chi phí lại thấp. Người dùng mạng xã hội có thể gọi, chát để trao đổi thông tin miễn phí, thậm chí có cả hình ảnh đi kèm. Tuy là mạng xã hội ảo nhưng khi tham gia, con người có thể tương tác gián tiếp với nhau.
Không gian mạng đã xóa mọi khoảng cách địa lý khiến người tham gia mạng xã hội xích lại gần nhau hơn, không có khái niệm về không gian và thời gian như ngoài đời thật. Trong thương mại điện tử, việc trao đổi qua tin nhắn (Inbox) giúp người tham gia đảm bảo tính bảo mật, được coi như hợp đồng dân sự khi giao dịch. Mạng xã hội giúp người tham gia lưu giữ thông tin để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào...
Bên cạnh những tiện ích trên thì mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái khiến người tham gia nếu không tỉnh táo sẽ bị rơi vào bẫy của kẻ xấu. Vì là môi trường ảo nên người tham gia có thể nói dối thoải mái mà không sợ bị phát hiện, nhất là trong trường hợp mạo danh, sử dụng hình ảnh của một người khác thì đối tượng càng yên tâm không bị lộ diện.
Theo Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, mạng xã hội ngày càng phát triển cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng công nghệ hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để phòng ngừa loại tội phạm này, đòi hỏi người tham gia mạng xã hội phải nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ chính bản thân mình bởi mạng "ảo" nhưng mất tiền lại là thật.