Dân Việt

Nóng bỏng “cuộc chiến” đất rừng: Người dân khát đất

Ngọc Vũ 31/10/2016 06:03 GMT+7
Không chỉ ở Đăk Nông, Nghệ An, tại tỉnh Quảng Trị, tình trạng người dân thiếu đất sản xuất cũng là vấn đề nan giải. Cụ thể, Quảng Trị có 9.353 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích 7.694 ha. Ngoài ra, có hàng nghìn hộ gia đình khác (không phải dân tộc thiểu số) cũng trong tình trạng thiếu đất nghiêm trọng.

Bần hàn

Xã miền núi Linh Thượng (Gio Linh, Quảng Trị) có 484 hộ dân (98% là người dân tộc Vân Kiều) thì có đến 327 hộ nghèo (chiếm 67,5%) và 19 hộ cận nghèo (chiếm 3,9%). Nguyên nhân đói nghèo vì người dân thiếu đất sản xuất trầm trọng.

Gia đình chị Hồ Thị Hảo (SN 1993, trú thôn Bến Mộc 2, xã Linh Thượng) phụ thuộc vào 0,5 sào (250m2) sắn trồng ở trong vườn. Nhưng nay, giá sắn hạ xuống quá thấp, không ai thu mua, cuộc sống gia đình chị chẳng biết bám víu vào đâu. Hai đứa con nhỏ sinh đôi 3 tuổi của chị Hảo nhiều ngày nay thiếu sữa, cháo chẳng đủ ăn. Anh Hồ Văn Thoại (SN 1992) – chồng chị Hảo phải lăn lộn với nhiều nghề làm thuê nhưng gia đình vẫn cứ đói ăn từng bữa.

img

Gia đình bà Hồ Thị Phêng (thôn Ba Ze, Linh Thượng) nghèo “bền vững” vì không có đất sản xuất. Những đứa con, cháu trong ngôi nhà này sống cảnh thiếu ăn, thiếu sữa. ảnh: D.T

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất là do địa hình hiểm trở, diện tích đất tự nhiên nhiều nhưng đất có thể canh tác lại ít. Việc đô thị hóa, xây dựng thủy điện… làm mất đất sản xuất; dân số tăng nhanh. Vì thiếu đất nên xảy ra hiện tượng người dân đốt, lấn chiếm đất rừng của Nhà nước, rừng phòng hộ để sản xuất.

Ngồi trong căn nhà ghép bằng ván gỗ mục, lợp tôn xen tranh, chị Hảo nhìn quanh một lượt rồi nước mắt ngắn dài: “Trong nhà chẳng có gì ngoài cái máy quạt lúc chạy lúc không. Trời cho vợ chồng mình sức khỏe, siêng làm, vậy mà vẫn cứ nghèo bởi không có đất sản xuất”.

Nhìn ngôi nhà của anh Hồ Văn Thơ (thôn Ba Ze, xã Linh Thượng) không ai có thể cầm lòng. Ngôi nhà được dựng lên bằng 4 cột trụ bê tông, lợp mái tôn bờ rô, “tường” nhà được ghép bởi những thanh ván đã hoai mục, nơi không có ván chỉ che bằng bạt rách. Trong nhà anh Thơ chỉ có vài cái xoong đen đúa, áo quần rách rưới, cái máy rà tìm phế liệu đã hỏng và chiếc giường gỗ mục, ọp ẹp. Anh Thơ thậm chí không mua nổi tấm chiếu để ngả lưng. Không hề có 1m2 đất sản xuất, để có cái ăn những năm trước anh Thơ đánh liều đi rà tìm phế liệu chiến tranh, đối mặt với chết chóc. Nay phế liệu đã hiếm, chiếc máy rà anh Thơ đành treo ở nóc nhà, đối diện với cơn đói rét hành hạ từng đêm.

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà sàn rách nát có 8 người cùng cư ngụ của bà Hồ Thị Phêng (SN 1950, cùng trú thôn Ba Ze), anh Hồ Văn Thắm - cán bộ hộ nghèo xã Linh Thượng cho biết, đa số hộ nghèo nơi đây đều vì thiếu đất, chỉ biết đi làm thuê, được đồng nào ăn đồng đó.

Thu nhập chính của gia đình bà Phêng từ 3 sào sắn, còn lại nai lưng làm thuê đong gạo. Khá hơn anh Thơ một chút, nhà bà Phêng có nhiều hơn vài cái xoong và có thêm cái thùng đựng nước do một dự án phi Chính phủ hỗ trợ. Hôm chúng tôi đến, trong nhà bà Phêng có 1 miếng thịt lợn nhỏ treo giàn bếp đã lâu ngày. Hồ Thị Thắm (19 tuổi, con dâu bà Phêng) cho biết, chồng chị đang bị đau gan, thận rất nặng nên chị phải mượn tiền của hàng xóm mua 10 nghìn đồng thịt lợn cho chồng bồi bổ. Với 10 nghìn thịt lợn, Thắm chia thành 3 phần treo lên giàn bếp và nấu thành 3 bữa cháo cho chồng. Con trai của Thắm là Hồ Hoàng Thành (1 tuổi) dù đã lâu không được ăn thịt, nó rất thèm nhưng Thắm không thể cho ăn vì phải để dành cho chồng.

Ông Hồ Văn Truyền - Chủ tịch UBND xã Linh Thượng cho biết, theo đề án cấp đất do xã lập thì địa phương cần 860ha đất để cấp cho dân với định mức mỗi hộ ít nhất 3 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong hai năm 2014 và 2015 xã mới chỉ cấp 115ha cho 96 hộ dân. Nguyên nhân vì còn nhiều vướng mắc trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương và nhùng nhằng việc đổi đất với Công ty Cao su Quảng Trị. Những hoàn cảnh nói trên chỉ là một phần rất nhỏ thể hiện sự đói nghèo đến cùng cực của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Quảng Trị vì thiếu đất.

Dai dẳng, kéo dài

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng thành lập
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 44 về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Theo đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng thành lập và quản lý trực tiếp; chịu sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng của cơ quan kiểm lâm sở tại. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Vì thiếu đất, cuộc sống cùng cực nên nhiều hộ dân trên địa bàn Quảng Trị đã “vô tình” lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp, đất các chủ rừng bỏ hoang không sản xuất.

Hơn 10 năm qua, trên địa bàn huyện Cam Lộ, tình trạng lấn chiếm đất, chặt phá cây rừng của Nhà nước do Công ty TNHH MTV Lâm trường đường 9 (Công ty Đường 9) quản lý diễn ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Đường 9 cho biết, Công ty có 100% vốn điều lệ Nhà nước, được giao quản lý, sử dụng, 7.524 ha đất rừng (trong đó 1.800ha rừng phòng hộ). Tuy nhiên, trong những năm qua nhiều hộ dân xâm lấn bằng hình thức phát dọc khe suối, phá rừng… rồi trồng trên diện tích đó. Diện tích rừng bị xâm lấn khoảng 600 đến 700ha.

Nơi được Công ty Đường 9 coi là điểm nóng tình trạng lấn chiếm đất rừng là thôn Cam Phú 2 và Cam Phú 3, xã Cam Thành. Ông Mai Văn Pháp (trú xã Cam Thành) cho biết, phần lớn diện tích đất rừng mà Công ty Đường 9 cho rằng bị người dân lấn chiếm đều được người dân bỏ công sức, bất chấp hiểm nguy bom đạn rình rập dưới mỗi nhát cuốc để khai hoang, cải tạo đất và sản xuất từ hơn 15 năm trước. “Chúng tôi khai hoang trồng rừng và đã khai thác rừng được 2 chu kỳ, hiệu quả cao nên đầu tư thêm nhưng nay thì bị công ty đòi lại đất” – ông Pháp nói.

252 hộ dân xã Cam Tuyền (tập trung ở thôn Tân Lập) cũng được Công ty Đường 9 cho là lấn chiếm hàng trăm ha đất rừng. Thế nhưng, người dân thôn Tân Lập cho biết, thấy đất bỏ hoang nên đã phát, đốt để trồng rừng, sử dụng đất rừng từ hàng chục năm về trước, bỗng dưng Công ty Đường 9 đòi thu hồi là không thỏa đáng.

Ông Hoàng Liên Sơn - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền than phiền, không ngày nào trên địa bàn không có tranh chấp đất đai, nhiều nhất là tranh chấp giữa người dân với Công ty Đường 9. Nhiều vụ việc tranh chấp lớn, lãnh đạo tỉnh về phân xử nhưng chưa dứt.

Không chỉ Cam Lộ, mỗi năm trên địa bàn huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông xảy ra hàng trăm vụ người dân phá, lấn chiếm rừng và đất rừng. Riêng tại huyện Đakrông, từ đầu năm đến nay có trên 100 vụ phá, lấn chiếm rừng và đất rừng với diện tích 63,16ha. Phần lớn diện tích rừng bị phá, lấn chiếm là rừng tự nhiên của các chủ rừng lớn như Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, rừng tự nhiên do các xã quản lý. Đối tượng xác định xâm hại rừng chủ yếu là người địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của việc xâm hại rừng do người dân thiếu đất nên lấn chiếm để lấy đất sản xuất nông nghiệp. /.