Dân Việt

Chửi khách, chủ quán "bún chửi" Hà Nội có thể bị phạt đến 300 ngàn?

Nhất Nam 31/10/2016 12:50 GMT+7
Theo luật sư, việc bà chủ quán "bún chửi" ở Hà Nội văng lời tục tĩu, xúc phạm về phía khách hàng không những làm xấu hình ảnh mà có thể bị...xử phạt.

Thời gian qua, dư luận xã hội bàn tán xôn xao trước việc quán "bún chửi" tại phố Ngô Sĩ Liên (Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện trên truyền hình CNN.

Nhiều clip về việc bà chủ quán bún chửi ăn nói tục tũi xúc phạm khách hàng cũng được lan truyền trên mạng xã hội khiến người xem tỏ ra bức xúc. Điển hình là, đoạn clip chỉ dài hơn 1 phút nhưng đã ghi lại không dưới một lần người này có những lời nói miệt thị khách hàng.

Trong clip có đoạn bà chủ quán "bún chửi" khi nghe thấy việc có khách hàng trả giá bát bún 20.000 đồng liền nói lại: “Bảo thằng nhà quê đây không có sườn 20 nghìn nhá..., thằng nhà quê!". Tương tự, khi có khách yêu cầu mua một tô bún lòng, người này lập tức hất hàm: “Ở đây không có bún lòng. Về nhà mày tự nấu mà ăn nhá!",…

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những lời nói khó nghe của bà chủ quán bún được người ta biết đến.

img

Hình ảnh bún chửi Hà Nội lên sóng CNN - (Ảnh: Internet).

Bên cạnh những ý kiến cho rằng, việc chửi hay ăn nói khó nghe với khách đã tạo lên thương hiệu của quán "bún chửi" giúp thu hút khách hàng thì nhiều người lại cho rằng đó là hành vi không thể chấp nhận, nhất là tại Thủ đô Hà Nội, nơi con người được mệnh danh là văn minh, thanh lịch!

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xử phạt người chủ quán bún này để chấm dứt tình trạng bán hàng thiếu văn hóa, dù lý do là gì thì cũng không thể chấp nhận hành vi này.

Phân tích về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi chửi, miệt thị khách hàng của chủ quán "bún chửi" đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Thơm, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

img

Vừa làm đồ ăn, bà chủ quán "bún chửi" không ngớt miệng chửi bới khách.

Ngoài ra, hành vi của bà chủ quán cũng có dấu hiệu của tội làm nhục người khác khi có lời nói xúc phạm danh dự của khách hàng, mặc dù họ không có lỗi gì. Tuy nhiên, tội làm nhục người khác chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Hơn thế, sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự phải đến mức độ nghiêm trọng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc đánh giá như thế nào là bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp. Nó phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian của hành vi; vị trí, vai trò, nhận thức của người bị hại; sự đánh giá và phản ứng của dư luận xã hội,…

Luật sư Thơm khẳng định: “Hành vi miệt thị, chửi bới khách hàng của bà chủ quán không những đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà còn gây mất trật tự công cộng nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong khi Thủ đô hiện đang quyết tâm tạo chuyển biến đột phá về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống thì hình ảnh bà chủ quán “bún chửi” miệt thị khách hàng bằng những lời nói hết sức tục tĩu đã đi ngược lại quyết tâm để xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh với những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.

Luật sư Anh Thơm cho rằng, hình ảnh của chủ quán “bún chửi” không những đã làm xấu đi các giá trị văn hóa của Người Hà Nội trong con mắt của người dân Việt Nam mà còn trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Đánh giá về việc quán “bún chửi” từng xuất hiện trên kênh truyền hình CNN, trong một chương trình truyền hình thực tế của đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói: “Đây rõ ràng là một hình ảnh không đẹp trong bạn bè quốc tế về Hà Nội”.

Được biết, hồi năm 2015, TP Hà Nội đã giao Sở VHTT và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

img

Trước đó, bà chủ quán "bún chửi" từng nói sẽ kiềm chế nói nhẹ nhàng hơn với khách.

Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây TP tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.

Đến năm 2016, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, đã cơ bản xây dựng xong bộ quy tắc này song vẫn chờ lấy ý kiến và triển khai từ nơi công cộng sau đó đến từng cơ quan, địa phương. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực hiện được điều này rất tốt nhưng TP Hà Nội đang lúng túng khi thực hiện.

Việc xác định thế nào là nói tục, chửi bậy cũng rất khó. Chẳng hạn, những lời lẽ miệt thị, “mát mẻ” kiểu chủ quán "bún chửi" như trên có thể coi là nói tục, chửi bậy không?

Một số chuyên gia cho rằng, thực hiện điều này không hề dễ dàng bởi muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện nó như thế nào.