Dân Việt

Nông dân ngán mía, cao su

Trần Đáng 02/11/2016 07:00 GMT+7
Một số nông dân Tây Ninh bắt đầu nản lòng với các loại cây chủ lực của tỉnh như mía, cao su… do giá liên tục ở mức thấp và bắt đầu đón nhận những cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn các huyện: Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Hòa Thành… đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 2.700ha từ các diện tích cây trồng sản xuất không hiệu quả, năng suất thấp như cao su (1.625ha), lúa (61,5ha), mía (hơn 1.000ha), khoai mì (4,5ha) sang trồng một số cây có giá trị kinh tế cao như rau, bưởi da xanh, chuối…

Cây ứng dụng công nghệ cao được ưa chuộng   

img

Mãng cầu Bà Đen đang được nông dân Tây Ninh ưa chuộng và chuyển đất mía, cao su sang trồng cây này. Ảnh: T.Đ

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, 9 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm ước khoảng 213.200ha, bằng 87,5% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, do giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp, ngành nông nghiệp đã vận động người dân chuyển cây cao su ở những khu vực trồng không phù hợp với điều kiện sinh trưởng, năng suất thấp sang các cây trồng khác có hiệu quả, giá trị cao hơn.

Phòng NNPTNT huyện Trảng Bàng vừa cho biết, đang triển khai mô hình trồng ớt ứng dụng công nghệ cao để xuất khẩu cho nông dân ở ấp Lộc Thành (Lộc Hưng). Được biết, trước đây nông dân Tây Ninh trồng ớt phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên nên rất bấp bênh. 

Theo ông Trương Tấn Đạt – Trưởng phòng NNPTNT huyện Trảng Bàng, khi áp dụng mô hình này, ớt sẽ được trồng trong nhà lưới nên ít bị hư hại, hạn chế sử dụng thuốc hóa học. “Công ty TNHH trái cây lạ Việt Nam hứa sẽ ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu loại ớt trồng theo mô hình này” - ông Đạt nói. Ông Đạt hy vọng, mô hình này nếu thành công sẽ thu hút nhiều nông dân đang trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế khác vào tham gia nhằm cải thiện đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, có thể thấy, ở Tây Ninh hiện nay, một trong những cây đang hút nông dân chuyển đổi cơ cấu nhiều nhất là chuối Canvendish (chuối Nam Mỹ). Đại diện một công ty bao tiêu chuối cho nông dân và xuất khẩu cho biết, trong năm 2016, sẽ thực hiện dự án trồng 200ha chuối Canvendish  tại Tây Ninh.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thái Sơn cho rằng, Tây Ninh sẽ còn phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao này rộng hơn nữa. Theo anh Lê Văn Thành – một nông dân đang trồng 3ha chuối Canvendish ở huyện Tân Châu, trồng loại chuối này cho lợi nhuận khá cao. Mỗi vụ có thể lãi 40 – 50 triệu đồng/ha. “So với cây cao su bây giờ, giá trị kinh tế cây chuối này ăn đứt” - anh Thành nói. 

Vận động chuyển đổi

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, Sở đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế thấp, hiệu quả kém sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong định hướng phát triển và quy hoạch đến năm 2020, diện tích cao su của tỉnh là 85.000ha. Những năm trước đây, do giá cao su tăng cao nên người dân trồng ồ ạt lên 96.000ha đã phá vỡ quy hoạch. 

Khi diện tích cao su đang đạt đỉnh điểm, bất ngờ giá cao su tuột dốc. Khoảng 3 năm trở lại đây, một số người trồng cao su bắt đầu chặt cây, chuyển sang các cây trồng có hiệu quả, giá trị kinh tế hơn.

Tỉnh Tây Ninh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hai ngành chính là trồng trọt (85%) và chăn nuôi (15%). Chính vì vậy, ngành nông nghiệp xác định cây lúa, cây khoai mì, một số loại rau quả, mãng cầu là những cây đang có lợi thế cần phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, đối với những cây trồng hiện đang bất lợi như mía và cao su… cần phải tái cơ cấu để đủ sức cạnh tranh.

 “Chúng tôi đang khuyến cáo người dân nên giảm diện tích cây cao su không hiệu quả chuyển sang cây trồng hiệu quả kinh tế tốt hơn, ví dụ như trồng chuối xuất khẩu, rau sạch, bưởi da xanh… Đối với cây mía, hạn chế lớn nhất là năng suất thấp, trong khi chi phí nhân công, chi phí vật tư quá lớn. Như vậy, để giải quyết vấn đề giá thành cần phải tăng năng suất. Muốn tăng năng suất phải giải quyết hai yếu tố cơ bản là kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa đồng bộ” - ông Trong nói.

Cũng theo ông Trong, bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất cho nông dân, xúc tiến thương mại, các hoạt động thu hút đầu tư…