Dân Việt

Vì sao địa ốc Việt là “thiên đường” của nhà đầu tư Nhật Bản?

Nguyễn Tường 01/11/2016 15:59 GMT+7
Với hàng tỷ USD rót trực tiếp vào địa ốc Việt mỗi năm, nhà đầu tư Nhật Bản đang là những người bạo chi nhất thị trường. Sự hào hứng của nhà đầu tư Nhật không chỉ mang lại cho doanh nghiệp địa ốc nội địa “bầu sữa” tài chính dồi dào và nhiều lợi ích khác.

img

Dream Home Palace (Quận 8, TP.HCM), dự án gần nhất có sự tham gia của quỹ Nhật.

Trăm hoa đua nở

Khác với hình thức “cổ điển” trước đây là đầu tư vào địa ốc thông qua hoạt động M&A hoặc thâu tóm cổ phiếu địa ốc, dòng vốn Nhật thời gian gần đây chuyển hướng “bơm” trực tiếp vào doanh nghiệp bằng các hợp đồng hợp tác đầu tư. Sự hứng khởi của thị trường bắt đầu từ thương vụ quỹ Creed rót vào An Gia Invesment 300 triệu USD vào năm trước. Có sự “chống lưng” của quỹ ngoại, doanh nghiệp này lập tức bung “siêu dự án” River City tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD và dựng cả biển đảo nhân tạo bên trong dự án.

Gần đây The Global Group - nhà đầu tư, phát triển và quản lý bất động sản (BĐS) hàng đầu Nhật Bản bắt tay với Công ty CP Nhà Mơ (Dream Home). Dream Home Palace (Quận 8) sẽ là dự án khởi đầu mà The Global Group sẽ hợp tác đầu tư, với số vốn dự kiến 50 triệu USD. Đặc biệt, không chỉ rót vốn, với hợp đồng hợp tác toàn diện, đối tác Nhật sẽ chuyển giao kinh nghiệm phát triển, công nghệ, kỹ thuật, quy trình vận hành và quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản vào dự án này.

Hàng tỷ USD đã được rót vào các doanh nghiệp địa ốc nội địa chỉ trong thời gian ngắn. Dự tính trong giai đoạn tới, riêng các nhà đầu tư từ xứ sở hoa Anh Đào sẽ mang khoảng 2 tỷ USD vào thị trường BĐS Việt Nam, trong đó TP.HCM sẽ là lựa chọn ưu tiên trong chiến lược đầu tư mới này.

Chỉ riêng Kajima, một đại gia đến từ Nhật Bản, đang có kế hoạch chi 1 tỷ USD trong 10 năm tới liên doanh với một nhà đầu tư trong nước để phát triển các dự án BĐS khách sạn cao cấp, căn hộ dịch vụ hướng tới đối tượng nhà giàu Việt Nam. Các dự án có quy mô 19,5 - 97,5 triệu USD. Hòa Bình House cũng hợp tác với Tập đoàn Okamura Home và Tập đoàn Sanyo Homes để lập liên doanh vận hành và quản lý các sản phẩm BĐS; Sanyo Homes hợp tác với Tiến Phát...

Cả người mua, doanh nghiệp và thị trường đều được lợi

Một chuyên gia tài chính phân tích với Dân Việt, sở dĩ có sự “nhảy múa” của dòng vốn Nhật tại thị trường địa ốc Việt là do bài toán đầu tư của các ông chủ. Trong điều kiện lãi suất huy động ở các ngân hàng Nhật gần như bằng 0, thị trường địa ốc bão hòa, những tập đoàn lớn với nguồn tài chính khổng lồ nhàn rỗi buộc phải tìm kiếm thị trường tiềm năng như Việt Nam để đầu tư.

Lý giải về việc rót vốn vào thị trường địa ốc Việt, ông Hidekazu Nagashima, Chủ tịch Tập đoàn The Global Group cho biết, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam từ năm 2008. Đây là thị trường mới phát triển, có nhiều tiềm năng và sự tương đồng với Nhật Bản ở nhiều thập niên trước. Đó là lý do tập đoàn bắt tay với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung, cao cấp vì tiệm cận dòng sản phẩm của tập đoàn này ở Nhật Bản.

“Khi thị trường phục hồi, chúng tôi từ chối nhiều lời mời hợp tác từ quỹ ngoại. Tuy nhiên, khi được đề nghị hợp đồng hợp tác toàn diện chúng tôi lập tức hào hứng. Vì sự hợp tác này không chỉ mang tính cộng hưởng lớn về mặt tài chính mà còn mang kinh nghiệm và chất lượng Nhật Bản vào Việt Nam”- ông Nguyễn Tri Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tồng Giám đốc Nhà Mơ nói.

Đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM ông Lê Hoàng Châu nhận định, trong khi doanh nghiệp Việt cần tìm vốn cho các dự án lớn và tìm các đối tác quản lý dự án chuyên nghiệp, thì nhà đầu tư Nhật có xu hướng tìm đối tác để đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS. Đây chính là “giao điểm vàng” khiến xu thế quỹ Nhật đổ vốn vào thị trường địa ốc Việt sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới.

Khác với đầu tư tài chính đơn thuần, việc các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản hợp tác toàn diện với doanh nghiệp nội địa chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm căn hộ, nhất là phân khúc trung cao cấp. “Sự đổ bộ của vốn Nhật sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Kể cả người mua nhà, doanh nghiệp và thị trường đều được lợi. Điều cốt yếu là bản thân các doanh nghiệp phải “làm mới”, “vươn tầm” cả về quy mô lẫn phương cách quản trị để hút dòng vốn đa lợi ích này”- ông Châu nói.