Do diện tích giảm mạnh, giá thu mua mía nguyên liệu đang ở mức cao nên nhiều nông dân ở ĐBSCL đã giữ mía lại chờ giá tăng thêm. Việc “găm mía” liệu có ảnh hưởng chất lượng?
Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Cao Anh Đương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam cho biết: Việc giữ mía lại trên đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống mía, thời tiết nông vụ… Tuy nhiên, dù cố gắng “găm hàng” cũng không nên kéo dài quá chu trình sinh trưởng của cây mía sẽ dẫn tới tình trạng mía trổ cờ, giảm chữ đường hoặc chết cây, chết ngọn, giảm năng suất…
Thu hoạch mía tại ĐBSCL. Ảnh: T.H
Theo ông Đương, tại vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL, hiện giống ROC 16 chiếm diện tích rất lớn (như ở vùng Cần Thơ, chiếm đến 60% diện tích). Đây là giống mía chín sớm, thường ít trổ cờ nhưng cũng còn tùy thuộc vào thời tiết, có những năm mía vẫn trổ cờ, ảnh hưởng tới chữ đường. ROC 16 có thời gian sinh trưởng từ 11 - 13 tháng, từ tháng 11 là đã có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch dài 2 tháng. Sau 13 tháng, năng suất mía giảm nhiều do chết cây, khô cây, khô ngọn… Do đó, nông dân không nên kéo dài thời gian thu hoạch quá 2 tháng.
Trong khi đó, một số giống mía chín muộn, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn 12 như giống mía từ Thái Lan, nông dân có thể thu hoạch muộn hơn. Còn ở vùng Đông Nam Bộ, giống mía VN84 4137 được trồng phổ biến nhưng đây cũng là giống mía chín sớm, hiện đã bắt đầu thu hoạch và đạt chữ đường cao, trên 10 CCS.
Ông Cao Anh Đương cho biết thêm, những năm trước, lũ về nhiều và sớm, nông dân trồng mía thường phải sử dụng các giống chín sớm để “chạy lũ”. Năm nay lũ về muộn hơn mọi năm, tuy nhiên, tại một số vùng ở Hậu Giang như Vị Thanh, Phụng Hiệp, lũ cũng đã về từ hồi tháng 10. Do đó, nông dân không thể không thu hoạch.