Mỗi hộ dân được khai thác 7,567m3 gỗ tròn để làm nhà ở. Những hộ không đủ khả năng khai thác gỗ được chính quyền địa phương hỗ trợ bằng việc hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp khai thác.
Đi dọc nhiều thôn, bản của xã Hướng Lộc, chúng tôi thấy hàng trăm nhà dân đã tập kết được một lượng lớn gỗ. Trên đường từ thôn Của lên tiểu khu 715, hàng chục người đi xe máy đèo theo cưa máy đi vào rừng. Vào sâu trong tiểu khu 715 và những khu vực xung quanh, rất nhiều cây gỗ lớn bị đốn ngã. Nhiều người cho biết, dù không thuộc diện được đốn gỗ để xóa nhà tạm nhưng họ vẫn tranh thủ vào rừng chặt gỗ.
Được xã hợp đồng khai thác gỗ cho dân, Doanh nghiệp Thành Duy đã đốn hạ rất nhiều gỗ rừng. |
Ngoài tình trạng người dân lợi dụng chính sách hỗ trợ nhà ở để phá rừng, doanh nghiệp được hợp đồng khai thác gỗ cũng tranh thủ cơ hội này để trục lợi. Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân Thành Duy, sau khi được UBND xã Hướng Lộc hợp đồng khai thác gỗ làm nhà cho 23 hộ dân, đã ngang nhiên đốn hạ trái phép 14,918m3 gỗ tròn và 1,650m3 gỗ xẻ. Hiện số gỗ này đang được tập kết tại đồi Ra Cô thuộc thôn Của.
Ông Hồ Văn May - Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc cho biết, việc khai thác gỗ để xóa nhà tạm cho dân được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bởi có sự giám sát của Ban 167 của xã và sự kiểm tra, đo đạc của lực lượng kiểm lâm nên không có chuyện phá rừng.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra các chứng cứ về việc lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm để phá rừng ồ ạt, ông May lại giải thích rằng, tình trạng này là do địa bàn của xã rộng, kiểm lâm địa bàn thì một người quản lý 3-4 xã. “Hướng Lộc giáp với 10 xã, thị trấn nên việc vận chuyển gỗ ban đêm thì chúng tôi không biết”- ông May nói.
Ông Lê Văn Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, việc phá rừng của Doanh nghiệp tư nhân Thành Duy đã bị UBND tỉnh xử phạt 75 triệu đồng và thu giữ toàn bộ số gỗ khai thác trái phép.
Còn việc người dân lợi dụng chính sách xóa nhà tạm để phá rừng là do nhận thức của cán bộ miền núi có mức độ, trong khi lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng nên khó quản lý. “Hơn nữa, dân miền núi cần có gỗ để làm nhà, trong khi đối tượng 167 có hạn”- ông Thành giải thích.
An Sơn