Do tiến trình của bệnh TCM từ khi mắc phải tới lúc bị nặng là khá nhanh, nên nếu không phát hiện bệnh sớm và đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị thì quá trình điều trị sẽ rất khó khăn và đặc biệt tốn kém. Từ đó, công tác truyền thông về bệnh TCM kèm theo đó là các biện pháp phòng chống như giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, khử trùng bằng Cloramin B là hết sức cần thiết.
Thế nhưng, từ lúc bệnh bùng phát và lây lan nhanh tới nay, theo sự công nhận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, thì: “Việc người dân chưa mặn mà với các biện pháp phòng dịch còn do công tác hướng dẫn, truyền thông chưa tốt của các cơ quan y tế nên người dân chưa thấy hết sự nguy hiểm của dịch, sự cần thiết của các biện pháp vệ sinh để có thói quen tốt cho phòng dịch”.
Từ Bộ Y tế tới các Sở Y tế các tỉnh, thành đều có trung tâm truyền thông và phòng dịch, luôn có sẵn những loại thuốc phòng dịch như Cloramin B và một số loại thuốc cùng chủng loại, nhưng do công tác truyền thông phòng dịch làm vừa chậm vừa mỏng nên không tới được đông đảo người dân.
Một bệnh dịch nguy hiểm nhưng do truyền thông chưa tốt và thiếu những biện pháp quyết liệt dập dịch nên đã thành một căn bệnh… lạ. Cho tới khi đông đảo con em nhân dân mắc phải chứng bệnh này, và các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân TCM, thì việc Bộ Y tế còn cân nhắc đã tới thời điểm công bố dịch hay chưa, lại càng cho thấy cung cách làm việc lề mề và thiếu độ nhanh nhạy của Bộ Y tế trước một bệnh dịch có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Bây giờ, dù muộn còn hơn không, Bộ Y tế nên gấp rút chỉ đạo để các cơ quan truyền thông phòng dịch của mình hoạt động với cường suất mạnh và hiệu quả cao, chứ để nước đến chân, thì nhảy không kịp. Dù với một ca điều trị dịch TCM khi bệnh trở nặng có thành công, thì với số tiền thuốc lên tới hơn 50 triệu đồng, nhà nước và người dân đã phải chịu một phí tổn quá lớn.n
Thanh Thảo