Ngày 17.8, nhân dân xã Tòng Bạt (Ba Vì, Hà Nội) kỷ niệm 50 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về phát động và chỉ đạo phong trào “Gió Đại Phong” (17.8.1961 - 17.8.2011) - một phong trào thi đua trong nông nghiệp nổi tiếng ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước.
“Nếu xét theo dòng lịch sử, những gì mà phong trào “Gió Đại Phong” làm được năm xưa không khác gì phong trào xây dựng nông thôn mới Việt Nam ở thế kỷ 21. Và tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn rất tươi mới khi luôn mong muốn người nông dân Việt không còn phải khổ đau, đói nghèo”- bà Nguyễn Thị Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại diện gia đình tham dự lễ kỷ niệm, chia sẻ.
Ông Viện, ông Sao sôi nổi kể chuyện phong trào “Gió Đại Phong”. |
Tài sức trai, gái “Đại Phong”
Nhắc tới phong trào “Gió Đại Phong” ở Tòng Bạt, lịch sử đều nhắc tới tên 10 chàng trai và 10 cô gái Tòng Bạt- được chọn là những cánh chim đầu đàn gây dựng phong trào thi đua phát triển nông nghiệp.
Chàng trai trẻ nhất đội hồi ấy là Trần Thế Sao - giờ đã ngót 70 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm đó, xã tôi nhà cửa bị thực dân Pháp san phẳng, đồng chua nước mặn, trồng lúa chỉ đạt 2 tấn/ha. Người dân quanh năm thiếu đói”.
Đội 10 chàng trai của ông Sao làm hạt nhân, ngày đêm tham gia cải tạo đất ruộng, thau chua rửa mặn, đắp đập thuỷ lợi, xây hồ chứa nước để làm nông nghiệp thuận lợi. Nhìn dáng người nhỏ con của ông, không ai có thể tưởng tượng ông gánh được 8 giành đất/lần, một ngày vận chuyển 7 khối đất đào đắp đập thuỷ lợi. Trai gái Tòng Bạt ăn cơm tập thể ngoài ruộng để làm việc đạt năng suất cao.
Đội nữ Đại Phong thì lo làm giống lúa, học các kỹ thuật mới để nâng cao năng suất cây trồng. Bà Đỗ Thị Chuyên - người từng đi dự Đại hội Thi đua toàn quốc cùng Anh hùng Lao động Hồ Giáo, nhớ lại: “Thời đó có phong trào làm phân xanh, chúng tôi phải đi bộ 30km gánh bèo tây, bèo hoa dâu về nhân giống, làm phân xanh bón ruộng”.
Sau đó, bà được cử đi học trung cấp nông nghiệp khoá đầu tiên ở miền Bắc, rồi về lập tổ khoa học kỹ thuật trồng trọt. Năng suất lúa của Tòng Bạt hồi đó đã đạt 5-6 tấn/ha, sau lên tới 7 tấn/ha. Những năm 1961-1962, chỉ riêng xã Tòng Bạt đã chi viện cho tiền tuyến 220 tấn lương thực các loại.
Ông Dương Văn Viện - Bí thư Đoàn xã Tòng Bạt thời điểm ấy, giờ vẫn khỏe mạnh, và ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo phong trào vẫn còn như in trong đầu ông: “Hôm đó, thanh niên xã chen chúc ở sân nhà ông Thể tại xóm 13 Thái Bạt. Lần đầu tiếp xúc một vị Đại tướng, chúng tôi rất bối rối. Nhưng Đại tướng xoá tan sự nghi ngại bằng vịêc thách chúng tôi đấu… vật tay. Sau đó, ông mới nói về việc xây dựng phong trào HTX, về những lý tưởng xây dựng đất nước”.
Thanh niên xã Tòng Bạt nghe như nuốt lấy lời Đại tướng. Ông Trần Thế Sao nói: “Chúng tôi hồi đó không được ăn học, nghe Đại tướng nói, lý tưởng của ông như thấm vào người. Khí thế ấy thúc giục chúng tôi làm việc bằng 2, bằng 3, tất cả vì miền Nam, vì nước, vì dân”.
Bài học cho hôm nay
Nhớ lại phong trào xưa để tự hào, và ngày nay, người dân Tòng Bạt càng tự hào về miền quê tươi đẹp của mình, về quá khứ hào hùng của cha ông. “Nhưng làm nông nghiệp thời nay phải có những phong trào mới, những cách làm mới”- ông Chu Đức Tình, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Liên Tòng chia sẻ.
Thời của phong trào “Gió Đại Phong” vẫn còn dấu ấn ở Tòng Bạt hôm nay với cánh đồng Thái Bạt thẳng cánh cò bay, năng suất lúa 8-10 tấn/ha; hệ thống thuỷ lợi kiên cố, con đập ở hồ Suối Hai vẫn giúp hồ điều tiết nước tưới cho cả vùng núi Ba Vì… Nhưng, đời sống người dân nơi đây thì vẫn nghèo. Ông Chu Bùi Thơm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 12,4% số hộ thuộc diện nghèo, thu nhập bình quân của người dân mới đạt 9,7 triệu đồng/người/năm (chưa tới 500USD).
“Thời nay, phong trào thi đua nông nghiệp không phải là gánh được bao nhiêu gánh đất, bao nhiêu gánh bèo, việc đó đã có máy móc làm, mà quan trọng là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là dồn điền đổi thửa, là nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp”- ông Tình trăn trở.
Tuy nhiên, điều đó ở Tòng Bạt vẫn còn đang mò mẫm khi chính sách dồn điền đổi thửa khó thực hiện do chưa được luật hoá. Người dân vẫn còn làm ăn đơn giản, nhỏ lẻ trên những thửa ruộng manh mún.
Về nhân lực, ông Thơm cũng cho hay, từ “xuất phát điểm” 100% là nông dân, hiện xã có hơn 300 người có trình độ ĐH-CĐ. “Nhưng học xong, họ ở lại các thành phố lớn làm việc. Chưa có bất cứ ai học ĐH xong, nhất là ĐH Nông nghiệp, quay về làm việc ở xã. Vì thế mà chuyển giao khoa học kỹ thuật khó khăn”- ông Thơm nói.
Lê Huyền