Dân Việt

Nhiều người dân “thoát cửa tử” nhờ y tế biển đảo

Tuấn Kiệt 02/11/2016 16:36 GMT+7
Nhờ được đầu tư trang thiết bị, nhân lực và hỗ trợ chuyên môn từ đất liền, y tế biển đảo đã giúp cứu sống nhiều người dân vùng biển đảo và cả những ngư dân bất ngờ bị nạn trên biển.

Vượt sóng khám bệnh

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Sản – Nhi Quảng Ninh chia sẻ, BV lúc nào cũng có một đội nhân viên y tế “cơ động” để sẵn sàng tăng cường cho y tế huyện đảo Cô Tô hoặc các ca cấp cứu trên biển. “Có thông tin về ca cấp cứu là 10 phút sau một ê kíp bao gồm 8 người gồm các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… sẽ sẵn sàng lên đường” – bác sĩ Hùng cho biết.

img

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh (Ảnh BSCC)

Theo bác sĩ Hùng, BV được giao nhiệm vụ tăng cường cho y tế huyện đảo Cô Tô từ đầu năm 2016. Ngoài trực cấp cứu, hàng tuần BV cử 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm luân phiên nhau ra huyện đảo để trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân. Từ đầu năm đến nay, với 32 lượt bác sĩ đi – về, BV đã hỗ trợ khám bệnh và điều trị cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân. Nhiều ca bệnh khó, phức tạp đã được xử lý ngay tại đảo như bỏng điện, sốc phản vệ, hen phế quản cấp, đau thận cấp… Đặc biệt, với chuyên môn sản nhi, BV Sản-Nhi Quảng Ninh đã cấp cứu nhiều ca bệnh sản-nhi như băng huyết sau sinh, phẫu thuật cắt khối u chửa ngoài tử cung…

Chia sẻ về vất vả khi đi cấp cứu ngoài huyện đảo, bác sĩ Tạ Thị Thu Hợp, Khoa xét nghiệm BV Sản- Nhi Quảng Ninh cho biết, không ít lần chị và đồng nghiệp phải xuất phát ra đảo khi trời nhá nhem tối. Cả đòan phải đi ô tô gần 1 tiếng mới ra đến bến tàu, sau đó lại mất bằng đó thời gian vượt trùng dương để ra đảo.

“Ngồi trên xuồng ra đảo giữa đêm tối mịt mùng, cũng không ít anh em hoang mang, lo lắng, có người còn say sóng mệt lả. Nhưng đặt chân lên bờ là anh em lại sấp ngửa lao vào cấp cứu bệnh nhân. Cấp cứu xong lại vội vã lên tàu trở về để mai bắt đầu làm việc” – bác sĩ  Hợp chia sẻ. Theo bác sĩ Hợp cho biết, các ngư dân kiêng khiêng gái đẻ bước qua thuyền nên đối với các ca sinh nở nguy cấp phải đưa về bờ cấp cứu, các bác sĩ phải trực tiếp thành “người vận chuyển”, khiêng bệnh nhân lên thuyền, lên bờ. 

Với sự hỗ trợ chuyên môn của BV Sản – Nhi Quảng Ninh đến nay nhiều kỹ thuật xét nghiệm sinh hoá, vi sinh; kỹ thuật lâm sàng, đạo tạo các kíp xử trí cấp cứu nhi, gây mê hồi sức, sản phụ khoa; triển khai các kíp khám chữa bệnh lưu động… đã được chuyển giao cho TTYT huyện đảo Cô Tô.

Cô Tô cũng là Trung tâm y tế kết hợp quân dân y với nhiều thành công trong công tác khám chữa bệnh cho người dân. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Phương  - Giám đốc TTYT huyện đảo Cô Tô, hiện nay huyện đảo có 6.000 dân nhưng có tới 6 bác sĩ - nguồn nhân lực y tế vượt trội so với nhiều huyện đảo khác. Người dân trên đảo đã được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến, phần lớn được điều trị tại chỗ, không phải “cơm đùm cơm nắm” vào bờ nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ngoài ra, nhiều ca cấp cứu đã được xử lý kịp thời, cứu sống tính mạng cho bệnh nhân, nếu phải đưa vào bờ thì sẽ xử lý không kịp.

Thắt chặt y tế quân – dân

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" (Đề án 317) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Đề án được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương và các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020, 100% các xã đảo độc lập trên biển có trạm y tế xã, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 40% bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; Đầu tư cho 04 trung tâm 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 6 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1 - 2 tàu Cảnh sát biển; Xây dựng 02 mô hình trợ giúp y tế từ xa - telemedicine từ bệnh viện vùng đến bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và nhà dàn… Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo.

Theo Thứ trưởng Tuấn, đề án cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa ngành y tế và lượng quân y để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới y tế trên biển. Điều này không chỉ giúp ngư dân, nhân dân các huyện đảo có chỗ dựa về sức khỏe khi ra khơi mà còn củng cố nghĩa tình quân dân, khẳng định sự vững chắc của chủ quyền biển đảo. 10 năm qua, các đơn vị của ngành quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu lượt người…  

Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức Tập huấn đáp ứng y tế trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2016. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về khả năng cơ động và chủ động cấp cứu vận chuyển nạn nhân cho các phân đội quân dân y tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển.