Nền võ thuật Việt Nam có lịch sử lâu đời, ngay từ thời dựng nước rồi dần phát triển song hành cùng dân tộc trải những thăng trầm, biến động mà anh dũng. Tuy võ thuật được phát triển rộng rãi nhưng chủ yếu là tự phát. Cho đến năm 1721, Lê Tông Dụ mới cho việc luyện võ chính quy, mở trường võ. Còn ở thời nhà Nguyễn, năm 1846 khoa thi võ đầu tiên được tổ chức. Theo Đại nam thực lục, khoa thi được tổ chức hàng năm.
Vua còn chuẩn định thi võ 3 năm một lần gọi là khoa thi Võ kinh. Trường thi là khoảng đất rộng trong đài Trấn Bình, xung quanh võ trường đều bưng kín bằng phên nứa, 4 góc có điếm canh, đều cắm cờ, ngoài cùng cắm chông tre. Bên trong chia làm 4 khu vực chính gọi là Vi theo thứ tự: Trí, Dũng, Tài, Lực. Trước mỗi Vi có 1 chòi cao 7 thước 2 tấc, có đặt súng bắn, cạnh chòi có bao lan để trông coi, bên dưới dựng nhà tranh cho võ sinh ở.
Phép thi được quy định như sau: Kỳ thứ nhất thi xách tạ nặng gọi là kỳ “Kiền nhất hiệu”, kỳ thứ hai: Múa côn sắt, giáo gọi là kỳ “Khôn lục hiệu”, kỳ thứ ba: thi bắn súng điểu sang, gọi là kỳ “Tôn ngũ hiệu”. Đó là thi Hương võ, còn thi Hội võ cũng giống như vậy nhưng ở cấp độ cao hơn: Thi Hương cử tạ 100 cân ta (hay cân thập lục, một cân bằng 16 lạng), thi Hội cử tạ 120 cân ta; thi Hương múa côn sắt 30 cân ta, thi Hội múa côn sắt 50 cân ta.
Võ sinh thể hiện sở trường của mình có thể chọn 1 trong 18 loại binh khí mà thao diễn, trình bày kiến thức lĩnh hội được trong sách “Võ Kinh”, giúp quan Chánh phó chủ khảo dễ định tài hơn kém. Thi Hương bắn 6 phát súng điểu sang, thi Hội phải bắn 8 phát. Kết quả, khoa thi võ đầu tiên của nhà Nguyễn lấy đỗ được 51 người, đây là những Tiến sĩ võ đầu tiên của vương triều này. Đỗ đầu là Phạm Đức Sáng, xếp thứ nhì là Lê Ủy, đứng thứ ba là Trương Tín.
Trên đây là những nét cơ bản của khoa thi võ học đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn được hình thành, tổ chức dưới chủ trương của vua Thiệu Trị, vị hoàng đế được đánh giá là “hiền hòa, không bày việc”.