Dân Việt

Mẹ bệnh, nuôi em, cô bé Dao vẫn đỗ đại học

Tùng Anh 05/11/2016 06:33 GMT+7
“Nhà nghèo, mẹ ốm nặng, đã có lúc em phải xé gần hết cuốn vở ô li dày cộp chỉ để viết đơn xin nghỉ học” - cô bé người Dao Lý Tả Mẩy, thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) kể về những kỷ niệm trên hành trình đến với giảng đường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

“Mẹ dặn đi về bên phải”

Vừa dẫn tôi lên căn phòng nhỏ xíu mãi trên... tầng 6 của một xóm trọ trong phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), cô bé Lý Tả Mẩy vừa thở hổn hển giải thích: “Nhà không có cầu thang máy, chúng em thuê trên tầng cao nhất cho rẻ, mỗi lần lên xuống mệt lắm, nhưng đi nhiều khỏi tập thể dục luôn” - Mẩy vừa nói vừa cười tươi. Nụ cười của cô bé người Dao rất sáng và đầy lạc quan. Tôi không thể hình dung được, để có được nụ cười ấy, em đã phải trải qua cuộc sống tự lập đầy khó khăn từ khi còn rất nhỏ.

img

Lý Tả Mẩy. Ảnh: T.A

Mẩy cho biết, lúc còn nhỏ, gia đình em sống tại một bản nghèo trên núi cao, cách trung tâm thôn Tùng Chỉn 2 nhiều giờ đi bộ đường rừng. Khu vực đó cho đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới. Khi Mẩy đến tuổi học mẫu giáo, để con được đến trường thuận lợi, bố mẹ em đã đưa gia đình xuống khai hoang ở vùng thấp hơn gần trung tâm thôn Tùng Chỉn. Do mới an cư nên gia đình Mẩy rất nghèo, công việc làm nương, phát rẫy của bố của bố mẹ chỉ giúp 2 chị em Mẩy được bữa no, bữa đói mỗi ngày.

Mẩy kể: “Từ khi học mẫu giáo rồi lên tiểu học, các bạn khác đều được đóng tiền ăn bán trú, được bố mẹ đưa đi học còn em thì phải tự đi. Mỗi ngày, mẹ chuẩn bị cho một cặp lồng cơm, hôm “sang” thì được 1 quả trứng luộc, còn không chỉ có cơm và muối trắng. Rồi mẹ chỉ dặn một câu làm em nhớ mãi: “Luôn đi về bên phải đường con nhé!”. Vậy là cô bé Mẩy nhỏ loắt choắt với cái cặp lồng cơm bắt đầu học cách sống tự lập từ khi mới vào mẫu giáo và bập bẹ nói những từ tiếng Việt đầu tiên.

Đến khi Mẩy lên lớp 4, mẹ em mắc bệnh thận, bố phải đưa mẹ đi chạy chữa khắp nơi. Đó cũng là quãng thời gian Mẩy thay bố mẹ một mình chăm sóc đứa em trai chỉ kém mình 2 tuổi: “Em nhớ mãi hồi đó em có một quyển vở ô li rất dày nhưng không phải để viết chữ, làm toán mà là để... xé ra viết giấy xin phép nghỉ học. Hầu như tuần nào em cũng phải xin nghỉ học, hôm lý do đi chăn trâu, lúc cắt cỏ, trông em... Có những lúc em đã nghĩ rằng mình không thể tiếp tục đến trường được nữa nếu như không có sự động viên của thầy cô” - Mẩy nhớ lại.

Công việc chăm sóc em đối với một cô bé lớp 4 không hề đơn giản. Bố mẹ không có nhà, bà nội và người thân đều ở xa, thỉnh thoảng mới xuống đỡ đần hai chị em Mẩy. Vì vậy, mỗi ngày Mẩy đều phải dậy thật sớm, nấu nướng cho em ăn rồi đi chăn trâu: “Em chỉ biết nấu những món rất đơn giản như cơm và... rau luộc” - Mẩy cười. May mắn, đến cuối năm lớp 5, bệnh của mẹ Mẩy thuyên giảm, việc học của Mẩy mới không bị gián đoạn.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Cuộc sống khó khăn nhưng thành tích học tập của Mẩy đã khiến thầy cô và bạn bè không khỏi ngạc nhiên. Suốt 12 năm học, có đến 11 năm Mẩy đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Không những thế, em còn tham gia sôi nổi vào các hoạt động đoàn, đội, làm MC, diễn văn nghệ và từng là liên đội trưởng nhiều cấp học.

Mẩy cho biết, suốt năm cấp 2 em theo học môn toán. “Đến năm lớp 9 thì “đột nhiên” cô giáo phát hiện ra... khả năng của em về môn văn nên thuyết phục em tham dự đội tuyển học sinh giỏi. Thế là chỉ trước ngày thi có 1 tuần, em mạnh dạn chuyển sang thi văn và giành giải Khuyến khích cấp tỉnh. Rồi các cô lại động viên em thi vào trường THPT chuyên Lào Cai. Em cũng đánh liều thi và không chắc là sẽ đỗ. Vậy mà đỗ thật. Cả trường có 3 bạn đỗ trong đó có em thôi đấy” - Mẩy khoe.

Cũng từ đấy, duyên nợ đối với môn văn đã ngấm vào da thịt cô bé người Dao nhỏ thó cả người, cả cặp chưa được 41kg. Để có được học bổng phụ giúp bố mẹ, kỳ học nào Mẩy cũng phấn đấu môn văn đạt trên 8,5. Năm lớp 11, em tham gia thi học sinh giỏi quốc gia cùng với các anh chị lớp 12 nhưng không được giải. Để “phục thù”, Mẩy đã dốc tâm huyết vào kỳ thi năm lớp 12 với mục tiêu sẽ được tuyển thẳng vào ngôi trường đại học mà em mơ ước: Đại học Kinh tế Quốc dân. Cuối cùng, em đã “ẵm” về giải Ba và thực hiện được mong muốn của mình.

Xuống Hà Nội học, Mẩy chọn cách trọ cùng 2 cô bạn thân cách trường 7km để giảm chi phí sinh hoạt. Em cho biết, em được miễn 70% học phí, nhưng chi phí cho sinh hoạt hàng tháng cũng là con số không nhỏ đối với bố mẹ em. May mắn, sau đó Mẩy và 2 bạn cùng phòng được một mạnh thường quân là một chủ doanh nghiệp thương cảm nhận đỡ đầu và tài trợ hàng tháng tiền nhà trọ.