Dân Việt

Những kẻ "gàn dở" nổi tiếng của showbiz Việt

Thùy Trang 04/11/2016 06:25 GMT+7
Đứng ngoài vòng xoáy showbiz, kiên định với lập trường nghệ thuật riêng, họ chấp nhận làm kẻ “gàn dở” vì làm nghề theo ý thích của mình chứ không nuông chiều thị hiếu khán giả

img

Ca sĩ Tùng Dương trình diễn các tiết mục của dự án âm nhạc “Rễ cây” trong MMF 2016 Ảnh: NGÔ BÁ LỤC

Với khát vọng định hướng thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhiều nghệ sĩ đã chọn con đường riêng và kiên định theo đuổi đến cùng dù phải đối diện vô vàn thử thách, khó khăn với niềm tin là mình sẽ thành công.

Con đường chông gai

Những kẻ “gàn dở” đầu tiên phải kể đến là các thành viên trong nhóm tổ chức Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival - MMF) mà chủ xướng là nhạc sĩ Quốc Trung.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, với MMF lần thứ nhất (2014), ban tổ chức lỗ hơn 600 triệu đồng. Năm tiếp theo (2015), chương trình lỗ hơn 1 tỉ đồng. Năm thứ 3 (2016) vừa diễn ra, nếu không có nhà tài trợ, có khả năng ban tổ chức sẽ lỗ gấp 6 lần như thế. “MMF là dự án phi lợi nhuận dành cho cộng đồng nên cho đến giờ, kinh phí, nhân sự đều do tôi và Công ty Thanh Việt Production lo liệu” - nhạc sĩ Quốc Trung cho biết.

Dự án âm nhạc “Cà phê thứ bảy” của nhạc sĩ Dương Thụ ra đời năm 2009, đến nay đã tròn 7 năm, với mục đích giới thiệu nhạc cổ điển, thính phòng cho khán giả. “Chúng tôi muốn chia sẻ những điều hay, những kiến thức âm nhạc mà mình có được với khán giả” - nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ.

Những đêm nhạc miễn phí như thế không phải lúc nào cũng có khán giả. Sau 7 năm, chương trình đã có lượng khán giả tương đối nhưng ban đầu, ít ai nghĩ rằng nó có thể tồn tại vì không được mấy người quan tâm. Nhạc sĩ Dương Thụ khẳng định: “Dù chỉ có một khán giả thôi, chúng tôi vẫn cứ diễn. Nếu có một chút mệt mỏi trong lòng là dự án “Cà phê thứ bảy” bị lung lay mất”.

Không chỉ tâm huyết với “Cà phê thứ bảy”, nhạc sĩ Dương Thụ cũng đang cùng ca sĩ Mỹ Linh tiếp tục thực hiện dự án âm nhạc “Chat với Mozart 2”. Đây là dự án âm nhạc giao thoa cổ điển với đương đại từng để lại ấn tượng với “Chat với Mozart”.

Tại MMF 2016, Tùng Dương với các tiết mục trình diễn trong dự án âm nhạc “Rễ cây” đã tạo nên những cảm xúc đặc biệt cho khán giả. Vẫn đậm chất đương đại, vừa liêu trai vừa làm khó người nghe, “Rễ cây” đánh dấu sự trở lại của Tùng Dương ở thị trường nhạc Việt sau album “Độc đạo”. “Đó là một thể loại âm nhạc điện tử quen thuộc nhưng không dành cho số đông khán giả hiện nay” - nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận định.

“Tôi hiểu “Những ô màu khối lập phương”, “Li Ti”, “Độc đạo” hay “Rễ cây”... đơn thuần là những dự án âm nhạc nghệ thuật không màng doanh thu vì không thuộc hàng ăn khách dù chúng nhận được lời khen ngợi từ giới chuyên môn. Nhưng tôi rất vui với sự đầu tư của mình cho các dự án này bởi tôi đang được làm nghề đúng nghĩa” - ca sĩ Tùng Dương tâm sự.

Những người dũng cảm

Trước khi cùng với bạn bè xây dựng thương hiệu “In the spotlight”, nhạc sĩ Hồng Kiên cứ ta thán về sự nhiễu nhương của thị trường âm nhạc Việt. Nhưng rồi, anh và bạn mình, ca sĩ Tùng John - giọng ca của thập niên 1970-1980, nhận ra rằng nên làm điều gì đó thì tốt hơn là cứ chỉ trích, nói suông.

“Thế là ý tưởng về “In the spotlight” thành hình, một chương trình ca nhạc đúng nghĩa, khán giả đến để thưởng thức âm nhạc thực sự. Đến nay, sau vài năm, “In the spotlight” cũng chẳng lãi được đồng nào dù chương trình nhận được không ít lời khen tặng của công luận và giới chuyên môn” - nhạc sĩ Hồng Kiên cho biết.

Vì là chương trình tâm huyết, ê-kíp thực hiện bắt buộc phải giữ để giới thiệu với khán giả những tác phẩm biểu diễn âm nhạc đáng giá. Việc của họ là phải chuyên tâm kiếm tiền từ những chương trình tổ chức sự kiện để trích một phần lợi nhuận cho “In the spotlight” có thể duy trì hằng năm. Cũng có thời điểm, chương trình phải gián đoạn vì quá khó khăn nhưng theo nhạc sĩ Anh Quân, “phải cố gắng để mang đến cho khán giả những chương trình âm nhạc đúng nghĩa”.

Nhạc sĩ Dương Thụ cũng bù lỗ bằng tiền túi cho “Cà phê thứ bảy” vì nghệ sĩ chơi nhạc vẫn phải được nhận lương mỗi đêm dù không có khán giả. Điều ông tiếc nhất là nhạc hay mà ít người thưởng thức quá.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết MMF đã và sẽ không mang lại những lợi ích lớn về tài chính cho những người tổ chức. Niềm vui lớn nhất của anh là sau 3 năm diễn ra, MMF đã được xem là liên hoan âm nhạc quốc tế đúng nghĩa nhất tại Việt Nam. Nghệ sĩ trong và ngoài nước đã đem đến một bức tranh toàn cảnh âm nhạc mới mẻ và đầy sức hấp dẫn. Ở đó, ngoài những cặp khái niệm cũ - mới, thể nghiệm - đại chúng, tò mò - yêu thích..., người ta còn thấy câu chuyện của một thương hiệu văn hóa.

Đã có không ít người hỏi rằng liệu những người làm MMF có đủ kiên nhẫn và đủ ý chí để theo đuổi đến cùng khi đây là dự án phi lợi nhuận và đến năm 2016, nhạc sĩ Quốc Trung cũng đã thấm mệt? Nhạc sĩ Quốc Trung thổ lộ: “Làm nghệ thuật bằng tâm thế của người trí thức, mong muốn chia sẻ điều mình biết với cộng đồng là niềm vui rất lớn mà người ngoài không phải lúc nào cũng thấy được. Tôi đang được tận hưởng niềm vui ấy”.

Theo ca sĩ Tùng Dương, anh cũng từng rất hoang mang với chính con đường của mình nhưng có lẽ “được cái này mất cái kia” chứ chưa bao giờ sai. “Tôi chọn làm văn hóa thì phải chịu những mất mát. Chúng tôi gọi đó là sự hy sinh vì nghệ thuật. Nó hoàn toàn xứng đáng vì thời gian qua, những sản phẩm của chúng tôi vẫn được nhắc đến với ít nhiều ấn tượng. Đó là cách mà chúng tôi làm nghề” - Tùng Dương khẳng định.

Niềm tin chiến thắng

“Tôi không dám chắc tình hình khán giả sẽ xoay chuyển nhưng luôn có niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng. Âm nhạc nào cũng có khán giả của nó và chỉ cần mình đừng thay đổi là được” - nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ.

Nói về dự án “Cà phê thứ bảy”, nhạc sĩ Dương Thụ khẳng định: “Chúng tôi cũng biết đây là thể loại âm nhạc không dành cho số đông khán giả. Vậy nên, phải có niềm tin mạnh mẽ lắm vào tình yêu và lòng tự trọng của bản thân với âm nhạc, chúng tôi mới kiên định con đường mà mình đã chọn này”.

Nhạc sĩ Dương Thụ tin rằng với sự phát triển của xã hội, khi nhiều người có cuộc sống đủ đầy, họ sẽ quan tâm đến đời sống tinh thần của mình hơn. Âm nhạc cổ điển, thính phòng đang rất được yêu thích, bằng chứng là nhiều gia đình tạo điều kiện cho con mình theo học. “Từ ngày đầu chỉ vài khán giả, bây giờ có ngày “Cà phê thứ bảy” cũng tròn 100 người. Tôi có niềm tin con số ấy còn tăng thêm nữa” - nhạc sĩ Dương Thụ quả quyết.

Nhạc sĩ Anh Quân cũng kỳ vọng: “Khi khán giả quá ngán với sản phẩm âm nhạc giống nhau, họ sẽ có nhu cầu đi tìm những gì mới mẻ và khác biệt hơn. Quá trình sàng lọc của khán giả sẽ giúp cho những sản phẩm âm nhạc đậm chất, ít nhất là tử tế, có cơ hội phát triển”.