Dân Việt

Hai cụ bà bị lừa hơn 10 tỷ đồng qua điện thoại

Thúy Hà 05/11/2016 13:16 GMT+7
Ngày 4.11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP.HCM cho biết, đang phối hợp với Công an Lạng Sơn điều tra một đường dây lừa đảo qua điện thoại.

img

Cụ bà N.N.T (79 tuổi) bị lừa 6,6 tỷ đồng trình báo tại Công an TP.HCM.

Đồng thời, Phòng PC46, Công an TP.HCM cũng đã khen thưởng một cán bộ Phòng giao dịch Võ Văn Tần - Ngân hàng BIDV đã phát hiện kịp thời thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc. Từ đó, phối hợp cùng với PC46, Công an TP.HCM phong tỏa tài khoản, thu hồi nhanh chóng khoảng 3 tỷ đồng do người dân bị lừa đảo, cũng như cung cấp đầy đủ các thông tin tài khoản để giúp công an truy bắt đối tượng phạm tội.

Trước đó - ngày 13.10, điều tra viên Phòng PC46, Công an TP.HCM nhận được thông báo của chị N.T.K.A, cán bộ Phòng giao dịch Võ Văn Tần - Ngân hàng BIDV về trường hợp của một cụ bà tầm 80 tuổi tên Đ.T.T đến ngân hàng đề nghị làm thủ tục nộp 1 tỷ đồng vào tài khoản số 35110000424893 mang tên Lộc Thị Tâm mở tại BIDV Lạng Sơn, có biểu hiện không bình thường.

Nhân viên ngân hàng cảnh báo về khả năng bị kẻ xấu lừa đảo nhưng khách hàng Đ.T.T không tin và mang cả bao tiền đến một phòng giao dịch khác của BIDV tiếp tục nộp 1 tỷ đồng vào tài khoản trên.

Ngay khi nhận được tin báo, các điều tra viên Đội 8 - Phòng PC46, Công an TP.HCM nhanh chóng kết hợp với ngân hàng phong tỏa đầu ra của tài khoản mang tên Lộc Thị Tâm, đồng thời tìm cụ bà nộp tiền để xác minh vụ việc.

Tiếp xúc với điều tra viên, lúc đầu, bà Đ.T.T (ngụ quận 1) khăng khăng không nhận mình là người nộp tiền, nhưng được sự động viên, giải thích của cán bộ điều tra, bà hiểu ra và tường trình toàn bộ sự việc. Lúc này, cả cán bộ công an và người thân của bà mới té ngửa khi biết bà không những chuyển 1 tỷ đồng cho bọn lừa đảo, mà trước đó bà đã chuyển 5 tỷ đồng vào nhiều số tài khoản khác nhau do chúng cung cấp. Các tài khoản này đều mở tại các ngân hàng ở Hà Nam và Lạng Sơn, đứng tên nhiều chủ tài khoản.

Bà Đ.T.T cho biết, bà nhận được cuộc điện thoại bàn của nhân viên tổng đài gọi đến thông báo bà Đ.T.T đang nợ tiền cước điện thoại gần 9 triệu đồng và hồ sơ đã chuyển sang Công an Hà Nội để điều tra do không thanh toán tiền cước. Sau đó, bà nghe “cán bộ điều tra” nói bà đang bị truy nã cùng với “băng nhóm” 500 người nên yêu cầu bà T hợp tác với cơ quan điều tra.

Sở dĩ bà làm theo yêu cầu của bọn chúng, một phần vì quá sợ hãi trước những lời dọa dẫm, một phần vì bản thân là cán bộ nghỉ hưu, con cái cũng toàn là viên chức Nhà nước, dù không làm gì sai nhưng nghe nói liên quan đến pháp luật, bà sợ ảnh hưởng đến người thân nên răm rắp thực hiện theo chúng để mọi chuyện khỏi lùm xùm.

Cùng thời điểm này thì Ngân hàng BIDV Lạng Sơn (nơi bà T chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản số 35110000424893 đứng tên Lộc Thị Tâm) thông báo cho Công an tỉnh Lạng Sơn về trường hợp có chủ tài khoản tên Lộc Thị Tâm đến ngân hàng đề nghị rút tiền. Ngay sau đó, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành mời Lộc Thị Tâm làm việc. Đồng thời, Công an Lạng Sơn cũng đã liên hệ với các ngân hàng tại Lạng Sơn có mở các tài khoản mà bà Đ.T.T đã chuyển tiền vào, đề nghị phong tỏa và xác minh thông tin tài khoản.

Theo đó, Công an Lạng Sơn tiếp tục mời Trần Thị Ánh Tuyết (chủ tài khoản số 19030646210019 mở tại Ngân hàng TMCP Techcombank, chi nhánh Lạng Sơn). Qua làm việc, Tâm và Tuyết thừa nhận là người mở tài khoản để bán và rút tiền cho người khác, được trả công 2 triệu đồng.

Tương tự giống như thủ đoạn lừa đảo bà Đ.T.T, chiều 19.10, bà N.N.T (79 tuổi, ngụ phường 12, quận 5, TP.HCM) cũng nhận được một cuộc điện thoại từ máy bàn thông báo nợ cước và hồ sơ cũng chuyển sang Công an Hà Nội để điều tra.

Cũng vì quá lo sợ trước những lời dọa dẫm, bà N.T sợ liên lụy con cái nên đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền có được chuyển cho “cơ quan điều tra” theo các số tài khoản do bọn chúng cung cấp. Chỉ trong 3 ngày, từ 19 đến 21.10, bà đã chuyển cho chúng tất cả 6,6 tỷ đồng. Sau khi chuyển hết tiền, có thời gian hoàn hồn, ngồi nghĩ lại, bà N.T mới nghĩ đến khả năng mình bị lừa và trình báo công an.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 - PC46 Công an TP.HCM cho biết: Trong những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn TP.HCM các băng nhóm tội phạm lừa đảo do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu tiếp tục hoạt động trở lại với nhiều vụ lừa đảo và số tiền lừa của các bị hại càng lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Vì vậy, những ai bị lừa với thủ đoạn như trên,  đến cơ quan công an gần nhất trình báo để giải quyết vụ việc.