Dân Việt

Người đồng tính: Phủ nhận của cha mẹ là tổn thương lớn nhất

19/08/2011 13:39 GMT+7
(Dân Việt) - Thành luỹ cuối cùng khiến người đồng tính không thể lộ diện chính là gia đình. Đối với người đồng tính, chịu đựng sự kỳ thị của bạn bè cũng không đau khổ bằng việc bị cha mẹ và người thân chửi mắng, hắt hủi.

Có rất nhiều những câu chuyện bạo lực khi cha mẹ phát hiện ra con đồng tính. Có em trai bị bố mắng chửi thậm tệ rồi dùng xích sắt cột vào cầu thang suốt 19 ngày, mỗi ngày cho một bát cơm với nước mắm và chai nước. Có em bị bố cho uống thuốc ngủ rồi chở đến BV tâm thần để “điều trị”. Mỗi khi em la hét, khóc lóc đòi về, lại bị tiêm thuốc an thần. Có em bị bố đánh đập dã man để “cho chừa cái thói ẻo lả”... Có em gái bị cha mẹ ép lấy chồng, sợ hãi đến cùng cực mỗi lần được chồng “yêu”. Rồi gia đình ngăn cấm, xỉ nhục, cô lập, giám sát…

img
Một tác phẩm trong Triển lãm Mở của người đồng tính.

“Khi gặp BLGĐ, người đồng tính dễ rơi vào trầm cảm, sống khép kín, nhiều em bỏ học giữa chừng, bỏ nhà đi lang thang và dễ sa vào tệ nạn xã hội, phạm tội, có em tự tử, có em làm nghề mại dâm hoặc hành xác”- bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số cho biết.

Đây là nội dung mà các đại biểu chia sẻ trong Hội thảo “Bạo lực gia đình trên cơ sở xu hướng tình dục và bản dạng giới” do một số tổ chức của Mạng lưới phòng, chống BLGĐ tổ chức ngày 17.8.

Bị kỳ thị về xu hướng tình dục ở ngoài cuộc sống, không được sống thật với tình yêu và cả bản dạng giới (muốn là nam hay nữ) của mình, người đồng tính chịu vô vàn tầng áp bức. Và sự phủ nhận của cha mẹ chính là sự tổn thương lớn nhất của họ.

“Muốn bảo vệ người đồng tính khỏi BLGĐ dạng này cần có điều luật riêng, can thiệp riêng thì mới hiểu đúng và giúp đúng. Tuy nhiên, luật ở nước ta, đặc biệt là Luật Phòng chống BLGĐ chỉ dành cho 2 giới nam và nữ mà không dành cho một số giới thiểu số còn lại (đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính). Họ đang sống ngoài luật” – bà Hoàng Tú Anh cho biết.

Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên, đối với 23 đồng tính nữ sinh sống ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Thái Nguyên, họ thường gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ rất đau khổ, tuyệt vọng, còn cha mẹ họ thì lo “chữa bệnh”.

Nhưng đồng tính là một xu hướng tình dục có sẵn trong gen, không thể thay đổi. Vì thế, theo bà Vân Anh - Giám đốc CSAGA, phải có cách ứng xử khác: “Các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu thông tin một cách chính xác, khoa học rồi mới có cách trò chuyện, chia sẻ hay hành động can thiệp vào cuộc sống của con. Nếu miệt thị, hắt hủi có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc”.