Dân Việt

Bệnh tay chân miệng: Vẫn kiểm soát nên chưa công bố dịch

19/08/2011 14:35 GMT+7
(Dân Việt) - Đến thời điểm này, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã lan ra 52 tỉnh, thành với hơn 32.600 bệnh nhân. Vì sao đến lúc này Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch?

NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Bệnh TCM đã lan ra nhiều tỉnh, thành, nhiều người lo ngại nếu không công bố dịch sẽ khó kiểm soát. Theo ông, quy mô bệnh như vậy đã có thể công bố dịch chưa?

- Bệnh TCM là một trong những bệnh thuộc nhóm B. Theo Luật Truyền nhiễm, thẩm quyền công bố dịch bệnh nhóm B thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Do đó, chỉ khi có đề nghị của giám đốc sở y tế tỉnh, thành đó thì việc công bố dịch mới đúng quy định.

Bộ Y tế chỉ công bố các bệnh nhóm A như tả, cúm A H5N1, sốt xuất huyết… Trường hợp có 2 tỉnh, thành trở lên công bố dịch bệnh ở nhóm B thì tùy theo tính chất, quy mô của dịch, Bộ Y tế cũng có thể công bố dịch.

img
Điều trị bệnh nhân tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Xét tình hình cụ thể hiện nay, chúng ta vẫn chưa phát hiện sự thay đổi về tác nhân gây bệnh; các biện pháp phòng chống vẫn có thể phát huy hiệu quả; số ca bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các địa phương; đặc biệt, không có tỉnh nào có dịch nằm trong vùng thảm hoạ. Do đó dù bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch.

Hiện nay, Việt Nam là một trong hai quốc gia (sau Trung Quốc) có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh TCM lớn nhất thế giới. Trong khi Trung Quốc đã công bố dịch và kêu gọi được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế thì Việt Nam vẫn không. Ông nghĩ sao?

- Hiện nay, số ca bệnh mắc TCM của chúng ta vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Năm 2008, Trung Quốc có hơn 1.533.000 người mắc TCM, khiến 350 người tử vong. Ở Việt Nam hiện nay diễn biến bệnh TCM cũng đang khá phức tạp. Tuy số ca bệnh có tăng lên, nhưng số mắc TCM vẫn còn thấp và dịch hiện đang trong tầm khống chế. Tuy chưa công bố dịch, nhưng hiện nay chúng ta cũng đã bắt đầu nhận được sự viện trợ của một số tổ chức quốc tế như WHO, và Tổng hội Cứu trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu.

Thưa ông, từ khi xuất hiện bệnh dịch đến giờ, chúng ta liên tục tuyên truyền về bệnh TCM. Tuy nhiên, nhiều người dân nằm trong vùng dịch khi được hỏi vẫn rất lơ mơ về bệnh. Công tác truyền thông về dịch bệnh này có vấn đề, thưa ông?

- Điều này Cục Y tế dự phòng cũng đã có báo cáo trong buổi làm việc của Bộ Y tế với các tỉnh phía Nam ngày 15.8. Chúng tôi đánh giá công tác tuyên truyền phòng chống dịch ở địa phương còn quá yếu. Báo cáo từ các địa phương cho thấy việc phòng chống dịch ở nhiều cơ sở chưa thật quyết liệt, ý thức phòng bệnh của người dân chưa đạt yêu cầu. Biện pháp kỹ thuật của ngành y tế tham mưu với các cấp chính quyền chưa được thực hiện triệt để nên hiệu quả phòng bệnh chưa cao.

Ngày 18.8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch TCM. Các địa phương đẩy mạnh vệ sinh môi trường, khử khuẩn bằng Chloramin B, đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp vệ sinh phòng bệnh ở từng tổ dân phố, hộ gia đình. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế lên phương án sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, kéo dài...

Cục và Bộ Y tế có kế hoạch gì để khoanh vùng và không để dịch bùng phát?

- Dự báo dịch còn tăng và diễn biến phức tạp, nhất là khi các trường đồng loạt khai giảng, nên chúng tôi đã tăng cường giúp các địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt, thông qua chỉ đạo để các sở y tế địa phương tiến hành các biện pháp tuyên truyền phòng bệnh ngay trong các trường học cho các cháu trước mùa tựu trường. Lấy việc vệ sinh môi trường, các kỹ thuật vệ sinh cá nhân; nâng cao nhận thức của phụ huynh và người chăm sóc trẻ làm trọng tâm.

Cục cũng chỉ đạo các địa phương phải ưu tiên truyền thông, mà đầu tiên là phòng bệnh. Trong phòng bệnh chủ yếu là rửa tay cho trẻ và bà mẹ trước khi ăn và sau khi ra khỏi nhà vệ sinh; thực hiện ăn chín uống chín; cung cấp Chloramin B cho người dân và xử lý môi trường.

Xin cảm ơn ông!