Nước Mỹ là một trong những quốc gia trên thế giới đúng với câu "tân quan tân chính sách" theo cách hiểu là luật pháp cho phép người mới không bị ràng buộc gì với người cụ về phương diện đường lối chính sách cầm quyền. Về lý thuyết thì như vậy, nhưng trên thực tế, các thời tổng thống ở Mỹ cho tới nay đều kết hợp gữa mới và cũ, lợi ích chiến lược không thay đổi và có chăng thì chỉ thay đổi phương cách thực hiện nó.
Riêng năm nay rất có thể sẽ khác bởi ứng cử viên tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hoà Mỹ vốn không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, lại còn có phần thái quá và lập dị ở cả tính cách cá nhân lẫn quan điểm chính sách. Các đối tác bên ngoài của nước Mỹ đều rất quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử này bởi ai tới đây trị vì nước Mỹ có tác động rất mạnh mẽ trực tiếp tới quan hệ của Mỹ với các đối tác khác.
Nhìn vào những phát biểu công khai của chính giới và giới nghiên cứu thân chính phủ ở Nga và Trung Quốc thì hiện có thể thấy Trung Quốc mong muốn bà Clinton thắng cử và lo ngại về khả năng ông Trump trở thành tổng thống mới của Mỹ trong khi phía Nga thì ngược lại.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Barack Obama, có một nhiệm kỳ bà Clinton đảm trách cương vị bộ trưởng ngoại giao. Quan hệ giữa Mỹ và Nga trong những năm tháng qua không được tốt đẹp. Hai bên thậm chí còn xô đẩy nhau trở lại thời chiến tranh lạnh xưa.
Bà Clinton hiện thân cho sự tiếp tục và tính liên tục của chiến lược đối ngoại và an ninh của Mỹ. Nếu bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ thì phía Nga không thể kỳ vọng quan hệ giữa Mỹ và Nga dễ dàng và nhanh chóng được cải thiện.
Nga cảm nhận bà Clinton là con diều hâu nhiều hơn là con bồ câu và sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để xử lý những mối quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, ông Trump lại rất mới mẻ, lúc đầu đã có những phát biểu tích cực về Nga và về cá nhân tổng thống Nga Vladimir Putin, về sau có bớt chút tông độ.
Phía Nga cho rằng ông Trump là người thực dụng và không để bị ràng buộc gì vào bất cứ học thuyết nào, lại đặt lợi ích của Mỹ lên trên lợi ích của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Nga và Mỹ cọ sát lợi ích về chính trị an ninh nhiều hơn là về kinh tế hay địa chiến lược, vì thế không phải thuộc về những mối quan tâm được ưu tiên hàng đầu của ông Trump sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Tỷ phú Donald Trump liệu có cú lội ngược dòng?
Trung Quốc thì lại khác. Trung Quốc không còn lạ lẫm gì về quan điểm chính sách cũng như cách hành xử chính trị ngoại giao của bà Clinton. Nếu bà Clinton kế nhiệm ông Obama thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói riêng và đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cơ bản không thay đổi nhiều hoặc ít nhất thì cũng trong thời gian một hai năm tới.
Như thế, Trung Quốc dễ bề đối phó Mỹ, kể cả khi bà Clinton rất hay phê trách Trung Quốc về dân chủ và nhân quyền cũng như có quan điểm khá cứng rắn đối với Trung Quốc trong chuyện Trung Quốc xâm lấn và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Với bà Clinton cầm quyền ở Mỹ, Trung Quốc cũng dễ dàng hợp tác hơn trong việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ông Trump đắc cử ở Mỹ sẽ đặt Trung Quốc trước nhiều điều bất định và rủi ro mới trong quan hệ với Mỹ nói riêng và trong việc thực hiện ý đồ chiến lược ở những khu vực có động chạm đến lợi ích chiến lược của Mỹ.
Ông Trump cho tới nay chưa có hoặc chưa bộc lộ rõ chính sách đối ngoại, nhưng chắc chắn sẽ theo chủ nghĩa bảo bộ trong thương mại và co rụt nước Mỹ trong quan hệ quốc tế. Như thế không chỉ khác trước mà luôn đi cùng khả năng đột ngột thay đổi và điều chỉnh, đột biến chứ không liên tục.
Như thế gây khó cho Trung Quốc, nhất là khi ông Trump chưa từng có phát biểu tốt đẹp gì về Trung Quốc. Trung Quốc và Nga có mối quan hệ đồng minh chiến lược rất tốt đẹp và tin cậy, nhưng hiện tâm trạng mong muốn và lo ngại khác nhau về kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ. Ông Trump hay bà Clinton rồi đây có thể lợi dụng điều này để phân hoá Trung Quốc và Nga.