Dân Việt

Xót xa tình trạng trẻ thấp còi do thiếu thịt, cá

Công Xuân 08/11/2016 06:26 GMT+7
Với tỷ lệ lên đến gần 58%, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) trở thành địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất của tỉnh. Trong căn nhà sàn cũ kỹ nằm cách trụ sở trung tâm xã Sơn Bua chừng 1km, sau chút e dè trước người lạ, chị Đinh Thị Bui (34 tuổi), ngập ngừng kể: Lấy nhau được hơn 10 năm, vợ chồng chị sinh được 3 đứa con. Trong đó, đứa nhỏ nhất hiện được hơn 4 tuổi nhưng nặng chỉ khoảng 13kg. Cách đây chưa lâu, cháu được cán bộ y tế khám và cho biết bị suy dinh dưỡng, bố mẹ cần mua thuốc bổ, cá thịt để bồi dưỡng thêm cho con.

“Vợ chồng mình thương con nhiều lắm. Thế nhưng, cuộc sống 5 miệng ăn của gia đình dựa vào hơn 1 sào (500m2/sào) lúa nước và rẫy keo hơn 1.500m2, cộng với số tiền làm thuê bữa có bữa không khoảng 150.000 đồng/ngày, lấy đâu ra để thường xuyên mua cá, thịt cho các con"- chị Bui phân trần. Theo thống kê của UBND huyện Sơn Tây, với số hộ nghèo lên đến gần 3.120, chiếm trên 65% số hộ của toàn huyện, số trẻ bị suy dinh dưỡng ở Sơn Tây chiếm tỷ lệ cao là điều dễ hiểu. Những địa phương có tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng nặng nhất là xã Sơn Bua (chiếm 70% số trẻ), kế đến là xã Sơn Long (63%), thấp nhất là xã Sơn Tinh cũng lên gần 40%

img

Bộ đội huyện Sơn Tây góp tiền mua và nấu cháo cho trẻ em ở xã Sơn Bua.  Ảnh: C.X

Bà Đinh Thị Thép -  cán bộ chuyên trách Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cho hay: “Không riêng gì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao (gần 58%), mà tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng ở Sơn Tây cũng gần 39%, đứng tốp đầu của tỉnh”.

Cũng theo bà Thép, ngoài lý do chính là cuộc sống của người dân khó khăn nên các bậc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc tốt sức khỏe cho con trẻ của mình, nhận thức của người dân Sơn Tây về vấn đề này còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí nói chung dành cho công tác tuyên truyền chống suy dinh dưỡng cho trẻ 5 tuổi ở địa phương được cấp hàng năm quá ít, với mức chỉ khoảng 25 triệu đồng/năm. Riêng từ đầu năm 2016 đến giờ thì vẫn chưa có. Vì vậy việc tuyên truyền, làm các mô hình thực hành “nồi cháo dinh dưỡng” cho trẻ ở các xã, thôn gặp khó khăn.

Xót xa trước tình cảnh trên, từ giữa năm 2015 đến nay, cán bộ và chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự cùng lực lượng dân quân tự vệ Sơn Tây đã tự nguyện trích tiền lương, phụ cấp để mua thịt, tôm... nấu cháo 2 lần/tháng và mang đến cho số trẻ học ở 3-4 điểm trường mầm non xã Sơn Bua. Mỗi nồi cháo đủ cho từ 50 – 60 trẻ/lần.