Dân Việt

Hậu lũ lụt ở miền Trung: Trường lớp ngổn ngang, đường học đứt đoạn

Trường học chìm trong biển nước, bàn ghế trôi dạt, sách vở bị cuốn trôi... và hàng chục ngàn học sinh tại nhiều tỉnh miền Trung phải nghỉ học dài ngày để cùng người thân “chạy trốn” lũ dữ. Sau lũ, các trường tiếp tục đối mặt với cảnh đổ nát, thiếu thốn vật chất, thậm chí lo học trò bỏ học.

Lo vắng học trò

Ngày 6.11, nước lũ rút, tia nắng bắt đầu hé rọi, em Dương Nguyễn Đức Toàn (học sinh lớp 5, trường Tiểu học số 2 Phước Hòa, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) lọ mọ mang những cuốn sách ẩm ướt ra sân phơi. Toàn kể: “Mưa lũ nên chúng em được nhà trường cho nghỉ học. Khoảng 3 năm nay em mới thấy nước dâng cao như vậy, cả gia đình phải dọn dẹp lên gác để trốn lũ”.

img

Các cô giáo Trường Mầm non Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh)
dầm mình trong nước lũ để dọn trường.   Ảnh: Nguyễn Duyên 

Không gian sống tạm của gia đình Toàn chỉ là mặt sàn lởm chởm gạch đá, rộng chưa đầy 10m2. Chỗ ngủ, ăn uống, học hành… đều tập trung ở nơi góc nhỏ chật hẹp, cách mặt đất gần 10m. “Trong nhà nước ngập đến hơn nửa mét, gia đình tôi phải sắm thang tre để leo lên nơi trú ngụ. Nhà chỉ còn mình thằng Toàn đang đi học nên sách, vở của cháu được vợ chồng tôi ưu tiên để nơi cao nhất, nhưng ẩm ướt là điều không tránh khỏi”- ông Dương Đình An (50 tuổi, bố Toàn) chia sẻ.

img

Nước lũ đã khiến hơn 30.000 học sinh tại vùng trũng huyện Tuy Phước không thể đến lớp vì bị chia cắt, nhiều ngôi trường bị nhấn chìm trong biển nước. Ông Phạm Thi Phong - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Thắng (huyện Tuy Phước) cho biết: “Từ thứ 5 (ngày 3.11) chúng tôi đã cho gần 200 em nghỉ học để tránh lũ. Nước lũ ngập phòng học, bàn ghế đều ngập ngụa bùn đất. Để đi học được chắc thầy trò cũng phải mất nhiều công dọn dẹp”.

Theo ông Đinh Văn Diễn - Chủ tịch UBND xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định), mưa lũ khiến tuyến đường Dốc Dài trên địa bàn xã bị sạt lở tại làng Canh Dao, nhiều sông suối nước dâng cao rất nguy hiểm. Trong khi đó, đường đến trường của các em chủ yếu phải lội qua suối nên xã đã giữ hơn 100 học sinh ở lại Trường Bán trú xã Canh Liên không cho về nhà. Nếu vùng nào có thể về được thì bố trí giáo viên đưa về tận nhà để bảo đảm an toàn cho các em.

img

Thầy giáo cùng học sinh vùng rẻo cao Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vất vả dọn lớp bùn non trong lớp học. Ảnh: Hữu Khá

Trong khi đó, ngày 6.11, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đào Đức Tuấn- Giám đốc Sở GDĐT Bình Định cho rằng: “Hiện tại, vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại nhưng điều chúng tôi quan tâm và lo lắng nhiều nhất là việc học sinh bỏ học sau lũ. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em không thể đến lớp. Thực tế, mùa lũ những năm trước tình trạng này đã xảy ra. Chúng tôi sẽ có phương án phối hợp Hội Khuyến học địa phương quan tâm hỗ trợ các em để hạn chế việc bỏ học. Trước mắt, các trường trong vùng mưa lũ nhanh chóng dọn dẹp, bố trí thời gian dạy bù, khoảng 2 tuần sau là đảm bảo học sinh theo kịp chương trình”.

Ngổn ngang khó khăn

Sau hơn 20 ngày kể từ khi cơn lũ đầu tiên đổ về, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã hoạt động trở lại, tuy nhiên học sinh vẫn chưa đi học đầy đủ. Riêng tại rốn lũ Hương Khê, nước ngập trên diện rộng kéo dài nên vẫn còn 2 trường THCS Hà Linh và Phương Điền chưa thể hoạt động trở lại.

img

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh cho biết, sau mưa lũ, thống kê tổng thiệt hại của ngành giáo dục Hà Tĩnh là hơn 11 tỷ đồng. Các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên và Vũ Quang bị thiệt hại nhiều nhất, trong đó tại Hương Khê có 37 trường học bị ngập lũ, thiệt hại 7,7 tỷ đồng…

Theo ông Dũng: “May mắn là ngành không có thiệt hại về người. Các cơ quan tổ chức đã giúp đỡ ngành dọn dẹp, khắc phục tu sửa lại trường lớp; ủng hộ nhà trường, học sinh về sách vở, tiền bạc, nhờ thế nhiều trường đã nhanh chóng ổn định học tập. Ngành cũng đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm quan tâm ủng hộ kinh phí xây dựng, tu sửa bảo dưỡng các phòng học, máy móc... hư hỏng để sớm ổn định việc dạy và học cho các trường thiệt hại nặng”.

Cả hai trận lũ vừa qua trường ngập chìm dưới nước. Sau gần một tuần lũ bắt đầu rút thì hầu như ngày nào cán bộ, giáo viên đều túc trực tại trường để nước rút đến đâu lau dọn đến đó. Mặc dù vất vả nhưng các cô cứ động viên nhau cố gắng để các con sớm trở lại học học tập”.

Cô Ngô Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)

Cô Nguyễn Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Phương Mỹ (Hương Khê) cho biết: “Trong hai đợt lũ vừa qua trường phải dừng hoạt động hơn hai tuần. Mặc dù trường không bị ngập nhưng học sinh không thể đến trường vì nhà bị ngập sâu. Ở đây cứ mưa lũ là địa bàn bị chia cắt. Học sinh không thể qua sông vì nước chảy xiết mà cầu phao lại bị hư hỏng”. Cũng theo cô Hoa, vì là trường ở vùng rốn lũ nên cứ đến mùa lũ nhà trường lại chủ động lập kế hoạch dạy bù cho học sinh phải nghỉ học dài ngày.

Ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GDĐT huyện Hương Khê cho hay: Chỉ trong vòng nửa tháng Hương Khê phải gánh chịu 2 cơn lũ lớn. Hầu hết các trường thuộc các cấp học trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, có trường bị ngập sâu, các thiết bị phục vụ dạy và học hư hại nhiều. Những trường ở vùng thấp như Phương Điền, Phương Mỹ, Hà Linh... học sinh phải nghỉ khá dài nên việc học tập bị chậm so với chương trình chung. Hiện nay sau khi nước rút các trường học đã dần ổn định lại sinh hoạt, chúng tôi sẽ tổ chức cho các trường học bù cho kịp chương trình. Việc dạy bù sẽ được tổ chức bằng cách tăng tiết vào các buổi học và tăng buổi vào ngày nghỉ.

Ông Hùng cho biết thêm: “Đối với những vùng ngập sâu, học sinh phải nghỉ học dài ngày các trường đều lên kế hoạch dạy bù. Để đảm bảo chất lượng cho việc học bù tránh tình trạng dạy dồn quá nhiều dẫn đến quá tải không đảm bảo chất lượng, phòng đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch dạy bù chi tiết gửi về phòng để duyệt trước khi thực hiện”.

Bố trí điểm học tạm

Để học sinh vùng lũ không bị gián đoạn việc học trong thời gian dài, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công điện yêu cầu các tỉnh miền Trung bố trí điểm học tạm cho học sinh vùng lũ. Cụ thể, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh, Bộ GDĐT yêu cầu các trường, điểm trường nằm trong vùng bị lũ lụt, nguy hiểm hoặc đường đến trường bị lũ lụt nguy hiểm cho học sinh nghỉ học. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học.

Đối với các trường, điểm trường bị ngập lụt dài ngày có thể bố trí nơi học tạm tại các điểm theo đúng phương án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai của các Sở GDĐT địa phương đã phê duyệt nhưng phải đảm bảo an toàn. Đồng thời, các sở GDĐT cũng như các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học và lên phương án dạy bù khi phải nghỉ học dài ngày do lũ lụt để đảm bảo chương trình giáo dục.                  

       Nguyễn Thiêm