Ông Lê Văn Quang (thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) cho biết: “Tôi nuôi hơn 2.000 con tôm hùm với diện tích hơn 10 lồng nhưng đã bị chết đến 70%. Trước ngày chưa có nước lũ thì tôm rất mạnh khỏe nhưng nước lũ đến làm ngọt nước nên tôm chịu không nổi, chết la liệt, tính ra tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.
Vùng đầm Cù Mông (xã Xuân Cảnh) là một trong những vùng nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung nhưng bắt đầu chết hàng loạt từ tối 3.11, khi mưa lớn, nước lũ bắt đầu đổ xuống đầm.
Sau khi lũ rút, tôm hùm tiếp tục chết với số lượng lớn nhất (trong vòng 7 năm trở lại đây) và hiện tại vẫn chưa dừng lại.
Những ngày đầu tôm hùm bị chết, người dân vớt lên bán với giá 50.000 - 200.000 đồng/kg để vớt vát. Trong khi đó, nếu so với thời điểm bình thường thì loại tôm này có giá rất cao khoảng từ 1,5-2 triệu đồng/kg.
Thế nhưng, theo ghi nhận của Dân Việt, hiện nay do tôm chết quá nhiều bị thối rữa trong lồng nên người nuôi phải vớt lên bờ chôn tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Ngoài tôm hùm, ốc hương nuôi ở đầm Cù Mông cũng bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngày 7.11, ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) cho biết: “Hiện tại, vẫn chưa thể thống kê được con số đầy đủ là bao nhiêu nhưng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại rất nặng”.
Theo ông Cảnh, toàn xã có hơn 510 hộ nuôi tôm hùm, hiện tại có hơn 300 hộ dân đã bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhiều hộ nuôi lâm vào cảnh trắng tay vì tôm hùm chết la liệt.
“Nguyên nhân tôm hùm chết là do nước lũ, ước tính riêng thiệt hại từ tôm hùm của người dân toàn xã lên đến hơn 20 tỷ đồng”- ông Cảnh cho hay.
Đầu tôm hùm… còn sót lại sau mưa lũ.
Người nuôi tôm hùm tại Phú Yên thiệt hại từ hàng trăm triệu đồng/ hộ, nên nỗi lo nợ nần đang đè nặng trên vai.
Nhiều lồng tôm hùm nằm trơ trọi trên bờ biển.