Chị Trương Thị Tình (Quảng Bình) vừa được nhà hảo tâm hỗ trợ cặp bò để vực dậy sau lũ. Ảnh: Phan Phương
Họa đơn, họa kép
Sau 2 cơn lũ, gia đình chị Hoàng Thị Lài ở thôn Hậu Thành (Phù Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình) trở nên kiệt quệ. Trận lũ trước (14 -15.10) ập về, mấy mẹ con chị chỉ kịp chạy lấy người, còn ngôi nhà và toàn bộ tài sản bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Sau lũ, ngôi nhà của chị được bộ đội Sư đoàn 968 (Quân khu 4) dựng tạm lại để tránh mưa, tránh nắng. Thế nhưng, chỉ hơn 10 ngày sau, trận lũ mới lại ập về, ngôi nhà tạm của chị lại chìm trong biển nước.
Lũ rút, chị Lài ngồi ôm mấy đứa con nhỏ nhìn túp lều xơ xác mà nước mắt cứ trào ra. Gia đình chị Lài thuộc diện hộ cận nghèo trong xã và đang được các cấp chính quyền hỗ trợ để thoát nghèo trong năm tới. Vậy nhưng, 2 trận lũ liên tiếp ập về đã đẩy gia đình chị và nhiều gia đình nông dân khác ở rốn lũ Phù Hóa vào cảnh… tái nghèo.
"May mắn túp lều vẫn đứng được, nhưng cũng không biết khi nào sẽ sập. Mấy hôm nay cứ thấy trời mưa là mấy mẹ con không dám ngủ, sợ nước lũ lại lên thì không chạy kịp…" - chị Lài nói.
Cùng chung hoàn cảnh, sau cơn lũ dữ, ngôi nhà và toàn bộ tài sản của gia đình chị Trương Thị Tình (41 tuổi, ở thôn Đồng Lâm, Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị nước lũ cuốn trôi. Sau lũ, 4 mẹ con chị Tình (chồng đã mất) được các nhà hảo tâm đến giúp đỡ, nhưng thật sự cuộc sống phía trước còn quá nhiều cơ cực. “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, mẹ con tui chắc không gượng dậy được và chỉ còn nước kéo nhau đi ăn mày thôi…” – chị Tình chia sẻ.
Ông Đoàn Xuân Thiện – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cho biết, theo kết quả điều tra cuối tháng 9.2016, xã Quảng Hải chỉ còn 4,6% hộ nghèo… Thế nhưng, sau 2 trận lũ chồng lũ, Quảng Hải bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ dân bị nước lũ cuốn trôi hết lương thực, gia súc, gia cầm và nhiều tài sản khác, trở nên trắng tay. “Sau 2 trận lũ vừa qua, nếu điều tra lại, hộ nghèo ở Quảng Hải chắc chắn sẽ tăng cao” – ông Thiện chia sẻ.
Khó gượng dậy
Theo tin từ Phòng Trợ giúp đột xuất, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), đợt mưa, lũ lụt cuối tháng 10 vừa qua, 5 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị) có 34 người chết, 2 người mất tích, 30 người bị thương, làm 26 nhà bị sập hoàn toàn; hơn 133.000 nhà bị ngập, tốc mái; Hơn 3.400ha lúa bị hỏng, 11.840ha hoa màu bị ngập úng. Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 1.080 tỷ đồng. |
Ông Phạm Xuân Bình - nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cho biết, các năm trước, sau lũ lụt bà con thường mất 5-6 tháng để khôi phục lại sản xuất, nhưng năm nay do có quá nhiều trận lũ nên việc khôi phục sản xuất chắc chắn mất rất nhiều thời gian.
“Năm nay bà con thiệt đơn thiệt kép bởi vừa gặp thiệt hại bởi sự cố môi trường biển xong lại bị lũ lụt triền miên. Điều này chắc chắn sẽ làm tỷ lệ hộ nghèo đội lên cao vì có thêm nhiều gia đình cận nghèo, vừa thoát nghèo lại rơi vào tình trạng tái nghèo” - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, chắc chắn sau đợt lũ lụt, thiên tai “kép” vừa qua ở miền Trung sẽ làm cho tỷ lệ hộ nghèo tăng cao bởi ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh. Thường thì vùng tập trung nghèo là ở nông thôn, làm nông nghiệp nên việc thiên tai, hạn hán sẽ tác động rất lớn tới việc giảm nghèo. Bộ LĐTBXH đang chỉ đạo rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, nhưng theo ông Đàm, chắc chắn tới đây tỷ lệ nghèo ở các tỉnh miền Trung sẽ cao hơn.
Theo ông Đàm, khi bị thiên tai, lũ lụt, cơ sở hạ tầng cũng như việc khôi phục sản xuất ở các địa phương thường gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy Bộ LĐTBXH cũng đang tiếp nhận tham mưu cho Chính phủ để có những trợ giúp kịp thời cho người dân. Riêng về cứu trợ đột xuất như gạo, thuốc đã được hỗ trợ ngay lập tức.
“Thông tư của Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn cụ thể, việc điều tra, rà soát hộ nghèo được làm hàng năm. Tuy nhiên, nếu trong năm có phát sinh hộ nghèo do lý do thiên tai, bão lũ… bất khả kháng sẽ được bổ sung ngay vào danh sách để được hưởng chế độ trợ giúp” - ông Đàm cho biết thêm.