Cũng trong 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông sản chính đã lên tới 19,99 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy 10 tháng năm 2016, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 6,4 tỷ USD.
8 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến hết tháng 10, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị XK ngành thuỷ sản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015… Trong đó, đã có 8 mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên.
Các chuyên gia dự báo năm nay mặt hàng gạo xuất khẩu rất khó đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Internet
Nhìn vào số liệu báo cáo của Bộ NNPTNT có thể thấy, một số mặt hàng lâu nay luôn được xem là thế mạnh của Việt Nam lại đang mất thế “thượng phong”. Cụ thể, mặt hàng gạo trong 10 tháng đầu năm chỉ XK được 4,2 triệu tấn, thu về 1,9 tỷ USD, giảm tới 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thị trường XK lớn nhất là Trung Quốc mới đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015 (tính đến tháng 9.2016). Nhiều chuyên gia dự báo, có khả năng năm nay XK gạo chỉ đạt được khoảng 5 triệu tấn, chứ chưa nói gì đến mục tiêu XK gạo 5,7 triệu tấn mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề ra.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn tới việc XK gạo giảm mạnh là do phía Trung Quốc siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc XK gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.
Cùng với gạo, một mặt hàng khác cũng giảm khá mạnh là sắn, khi khối lượng XK 10 tháng qua đạt gần 3 triệu tấn, giá trị 806 triệu USD, giảm 14,8% về khối lượng và giảm 26,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Hầu hết các thị trường NK sắn chính của Việt Nam đều giảm, trong đó Trung Quốc (chiếm tới 85,7% thị phần) đã giảm 16,5% về khối lượng và giảm 28,9% về giá trị so với cùng kỳ.
Cần chấm dứt cảnh “có gì bán nấy”
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, các doanh nghiệp nếu ký được hợp đồng XK thì cũng chủ yếu là ký mới cho năm 2017. Do đó, mục tiêu kim ngạch XK đạt 31 tỷ USD bằng năm 2015 là rất khó khăn, thậm chí có thể không đạt được. Ngay lúc này, các nhà hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược thị trường, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất, chấm dứt kiểu làm ăn xổi ở thì”. PGS-TS Vũ Trọng Khải |
So sánh cán cân xuất nhập khẩu 10 tháng qua, có thể thấy nông sản Việt Nam đã xuất siêu gần 6,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2015, xuất siêu lĩnh vực nông sản tăng khoảng 1 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm 2014 thì lại giảm gần 1,5 tỷ USD (10 tháng năm 2014 nông lâm thủy sản xuất siêu 7,95 tỷ USD). Trong đó, NK một số mặt hàng chính ước khoảng 14,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
PGS-TS Vũ Trọng Khải – chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, con số xuất siêu không có nhiều ý nghĩa, vấn đề là người nông dân được hưởng lợi như thế nào từ thành tích xuất siêu đó? “Lâu nay người ta vẫn tính hiệu quả, chỉ tiêu trên 1 đồng vốn, nhưng tôi cho rằng phải tính giá trị gia tăng trên 1ha đất mới chuẩn xác. Chúng ta XK được 26,4 tỷ USD, nhưng NK nhiều thì cũng không thể tự hào được”.
Bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất siêu theo hướng bền vững, ông Khải nói: “Sở dĩ lâu nay XK nông sản bấp bênh, đạt giá trị thấp là do chúng ta không có chiến lược sản phẩm quốc gia theo từng vùng sinh thái mà chủ yếu là có gì bán nấy, không tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, không có quy hoạch sản phẩm chủ lực bài bản... Việc XK gạo đã bão hòa, sao chúng ta cứ khăng khăng giữ đất lúa bằng được mà không chuyển một phần diện tích ở nơi thuận lợi sang trồng rau, củ, quả? Thực tế cho thấy dư địa lĩnh vực rau, củ, quả còn rất rộng lớn, có thể đẩy mạnh sản xuất vụ đông để XK sản phẩm đi nhiều nước”.