Chưa năm nào người nông dân lại được hưởng niềm vui trọn vẹn như năm nay, đó là vừa được mùa, lại vừa được giá, từ lúa gạo đến chăn nuôi lợn, trồng cà phê, nuôi thuỷ sản… nghề gì cũng cho lãi cao. Ấy vậy, nhưng có thể niềm vui của người nông dân sẽ "ngắn chẳng tày gang" khi mà các bộ, ngành đang ngày, đêm họp bàn nhằm kéo giá nông sản, thực phẩm xuống.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào thời điểm này, giá bán mỗi kg lúa đã lên tới 6.400-6.800 đồng, tức bằng giá 1kg gạo mới chỉ cách đây hơn 1 năm, nhưng vẫn không có lúa để bán. Với mức giá trên, từ thương lái đến các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu gạo đang… khóc như ri, vì kêu không có "lời" và đang bị nông dân "làm khó".
Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi người ta cứ hét toáng lên về giá lúa gạo hiện nay khi ông cho rằng: "Giá gạo hiện nay là có lời cho nông dân, là tốt chứ sao mà cứ phải kêu là sốt nọ, sốt kia. Tại sao cái gì giá cũng tăng, từ điện, xăng dầu đến vật tư phân bón, mà lại bắt người nông dân giữ giá lúa thấp là sao?".
Từ đầu tháng Bảy vừa qua, giá thịt lợn đã liên tục tăng đến nỗi các cơ quan chuyên ngành "quản lý lợn" như Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng không giải thích được. Đợi mãi chưa thấy giá xuống, các cơ quan chức năng mới xúm nhau vào họp để "bàn biện pháp bình ổn giá thực phẩm".
Thế nhưng, biện pháp thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy giá thịt lợn vẫn cứ tăng, rồi một loạt nguyên nhân đã được đưa ra để "làm rõ" nào là, giá thịt tăng là do bị thao túng, rồi do thiếu nguồn cung, lợi nhuận của nông dân như thế là quá cao…
Ông Lê Văn Mẽ - Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) ngán ngẩm nói: "Nghề chăn nuôi cực lắm, chúng tôi vừa mới có lãi một tý, họ đã kêu phải giảm giá xuống. Trong khi những lúc chúng tôi bị dịch bệnh, giá cả rẻ mạt, thì có ai chịu cứu đâu!".
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: "Giá thịt lợn như bây giờ là ở mức hợp lý, người chăn nuôi cũng chỉ có lợi nhuận vừa phải. Nếu thực sự có lợi nhuận cao, thì các công ty lớn họ đã đầu tư vào chăn nuôi rồi!".
Nông dân là những người trực tiếp làm ra miếng thịt, hạt gạo bằng chính mồ hôi, công sức của mình, nên trong việc phân khúc lợi nhuận, họ phải là người được hưởng nhiều nhất. Do vậy thay vì đi tìm biện pháp "vít cổ" họ xuống, hãy đi tìm biện pháp khuyến khích nông dân sản xuất bằng các chính sách ưu đãi để họ làm ra nhiều của cải vật chất hơn cho xã hội, cũng là cơ hội để họ làm giàu cho chính bản thân mình một cách xứng đáng.
Lê Hân