Dân Việt

Donald Trump thành Tổng thống Mỹ, TPP có bị hủy bỏ?

Thuận Hải 10/11/2016 15:06 GMT+7
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có quan điểm nhất quán phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Số phận” TPP sẽ như thế nào trong thời gian tới, khi ông Trump chính thức lên nắm quyền?

img

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Theo báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP. Ước tính của World Bank cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 10% đến năm 2030 nhờ các lợi ích về thuế quan và cải cách thị trường lao động, tài chính, năng suất… mà hiệp định TPP mang lại. 

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, TPP nếu được Chính phủ các nước thành viên (bắt buộc phải có Mỹ) thông qua trước thời hạn 5.4.2018 sẽ là kịch bản tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo VDSC, nếu TPP thất bại, rủi ro đối với nền kinh tế không phải là quá lớn, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp vẫn khá điềm tĩnh trước lo ngại TPP “sụp đổ”.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng, việc thông qua một Hiệp định quan trọng như TPP sẽ không thể được quyết định bởi quan điểm của một cá nhân. Dù Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định thông qua TPP, nhưng vẫn còn có sự can thiệp của Quốc hội.

img

Trong khi đó, Thạc sỹ Kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cũng cho rằng, TPP là một sáng kiến vĩ đại, mang lại lợi ích cho cả nước Mỹ và 11 nước thành viên khác.

Do đó, theo ông Dũng, một sáng kiến được 800 triệu người chấp nhận như TPP vì những lợi ích nó mang lại thì Tân Tổng thống Mỹ không thể bác bỏ. Có chăng, thời gian thông qua TPP sẽ bị lùi lại hoặc thay đổi một số điều khoản, hoặc thay đổi tên gọi, đổi sang một hình thức khác… chứ không có chuyện “phủ định sạch trơn” những gì các nhà lãnh đạo đã nổ lực xây dựng trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, trả lời báo chí ngày 9.11, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, sau cuộc bầu cử ngày 8.11, Quốc hội Mỹ còn họp một kỳ cuối cùng trước khi trao quyền lại cho Quốc hội khóa mới. Các chuyên gia dự báo rằng, Chính phủ của ông Obama sẽ nổ lực vận động thông qua TPP trong kỳ họp này.

Tuy nhiên, nếu sau cuộc họp mà TPP không được thông qua thì việc này phải được trình ra Quốc hội mới. Trong quá trình tranh cử, Donald Trump bày tỏ lập trường không ủng hộ TPP nên việc thông qua Quốc hội mà đa số cùng đảng Cộng hòa với ông Trump sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sau bầu cử tình hình chính trị sẽ lắng dịu, tổng thống mới có thể có lập trường khác với lúc còn là ứng cử viên. Hơn nữa, với các chiến dịch “vận động hành lang” mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, TPP vẫn có khả năng được thông qua.

Còn theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Vietnam Summit 2016 tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Hải cho rằng, nếu hiệp định này chưa được phê chuẩn cũng sẽ không làm thay đổi chính sách kinh tế hội nhập của Việt Nam.

Thay vào đó, Việt Nam vẫn đang tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại (FTA) với các đối tác như Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á – Âu hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)...

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 FTA đã có hiệu lực, có một FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán các FTA khác nữa.