Dân Việt

Giải Ngoại hạng Anh: Lạnh như tiền

20/08/2011 05:58 GMT+7
(Dân Việt) - Giải Ngoại hạng Anh bấy lâu nay vẫn vang danh thiên hạ về sự cống hiến và tính giải trí. Nhưng, trong thời đại kim tiền, người nghèo khó có khả năng tiếp cận với giải đấu này.

Khi tình yêu bị “quy ra thóc”

Cách đây 20 năm, khi bóng đá Anh bắt đầu bước vào kỷ nguyên mang tên “giải ngoại hạng”, các cổ động viên của Manchester United (MU), từ già tới trẻ, từ giàu tới nghèo đều thừa khả năng thể hiện tình yêu của họ với đội bóng con cưng. Đơn giản bởi lúc ấy, giá vé vào sân Old Trafford rẻ như bèo khi một chỗ ngồi ở khu vực “bình dân” như Stretford End hay United Road chỉ là 3,5 bảng/vé.

Nhưng bây giờ, thời thế đã đổi thay. Muốn có một chỗ ngồi ổn ổn tại “Nhà hát của những giấc mơ”, các cổ động viên phải mua vé với giá 28 bảng, tức là cái giá dành cho tình yêu đã bị nhân lên gần 700%!

img
Phí truyền hình cũng là một gánh nặng với người hâm mộ Giãi Ngoại hạng Anh.

Nhưng cổ động viên MU có lẽ vẫn cảm thấy… may nếu so với các “đồng nghiệp” bên phía Arsenal. Đơn giản bởi một lẽ, dù đã bán đi rất nhiều ngôi sao và hơn nửa thập kỷ qua chẳng đoạt được danh hiệu gì, nhưng giá một vé xem bóng đá thuộc loại “vớ vẩn” ở sân Emirates lên tới 51 bảng, tức là đã tăng tới 920% so với thời giải đấu còn chưa mang tên Premier League.

“Tức nước vỡ bờ”, các cổ động viên Anh khi nhận ra tình yêu của mình bị lợi dụng hoặc bị đối xử quá bạc bẽo đã phản ứng và bằng hành động. Hiệp đội cổ động viên bóng đá (FSA) đã phê phán các câu lạc bộ chỉ nhăm nhăm “làm hàng” bằng cách giả vờ nâng cấp sân bóng (hoặc sửa sang qua loa) rồi lấy cớ tăng giá vé lên cao chót vót. “Tôi không hiểu họ làm thế để làm gì. Chẳng lẽ vì tiền mà họ bất chấp tình yêu của các cổ động viên chân chính để tìm mọi cách thu được lợi nhuận?” ông Rogan Taylor, cựu Chủ tịch FSA bức xúc nói.

Tiêu cực hơn, các cổ động viên trẻ có thái độ tẩy chay thấy rõ. Thay vì mua vé vào sân với giá đắt, họ đến rạp chiếu bóng xem trên màn ảnh rộng hoặc ghé vào quán bar nhậu nhẹt rồi xem bóng đá qua ti vi. Bởi thế, tuổi trung bình của một cổ động viên trưởng thành đến sân tại Giải Ngoại hạng Anh mùa này là… 41 tuổi (tức là loại cũng đã có kha khá tiền). Thế mới hiểm!

Oằn lưng vì sức ép

Trong khi các cổ động viên đang chán vì sự tham lam của các ông chủ đội bóng thì các siêu sao mới được mua về của giải ngoại hạng lại lo ngay ngáy bởi cái giá “khủng” trong bản hợp đồng đưa họ đến với những đội bóng lớn cũng đồng nghĩa với một núi áp lực.

Ngoại trừ tiền đạo Aguero đã có màn ra mắt không thể ấn tượng hơn (ghi 2 bàn vào lưới Swansea), hàng loạt ngôi sao khác như Downing, Henderson, Young, Enrique… đều chơi thất vọng. Nhìn xa hơn, những bảng hợp đồng được mua từ kỳ chuyển nhượng giữa mùa 2010-2011 và rất được kỳ vọng ở mùa này như Carroll, Torres cũng thi đấu vô cùng mờ nhạt đã ngay lập tức bị báo chí “đánh” tơi bời, còn các huấn luyện viên thì giảm sút niềm tin thấy rõ.

Nói gì tận Anh Cát Lợi cho xa, ngay ở Việt Nam mình đây, muốn có được niềm vui với Ngoại hạng Anh thì xin mời “xùy” ra ngay nửa tấn thóc để mua một cái đầu bắt sóng K+. Mỗi tháng lại phải đóng vào đấy số tiền tương đương với 3 lít xăng thì mới vui vẻ được.

“Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh như tôi mới hiểu thế nào là khó khăn”, Torres đã trải lòng như thế về quãng thời gian khó khăn vừa qua tại Chelsea của anh. Nhưng chả ai muốn ở vào hoàn cảnh ấy cả. Đơn giản vì họ không phải là Torres và họ “không biết, không quan tâm” khi cái ý nghĩ: “Nhận nhiều tiền thì phải đá hay” đã ăn sâu vào tiềm thức của tất cả.

Tương tự như Torres, Carroll cũng đang loay hoay khẳng định tài năng tại Liverpool khi sự kiên nhẫn mà huấn luyện viên Dalglish và các đồng đội dành cho anh đã không còn toàn vẹn. Carroll đã ra sức… hứa hẹn và cũng tỏ ra rất nỗ lực, cả trong tập luyện và thi đấu, nhưng hiệu quả trên sân của anh vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Đừng tưởng lắm tiền mà sướng. Vậy mới hiểu, thế nào là “người giàu cũng khóc” nhé!.