Dân Việt

Doanh nghiệp lén lút xả thải, đầu độc dân - Vì sao?

21/08/2011 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ Công ty Sonadezi Long Thành đầu độc sông Đồng Nai chưa nguội thì tại TP.HCM, cảnh sát môi trường phát hiện Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Ngoài tai họa về ô nhiễm không khí, người dân còn mang thêm mối họa tiềm ẩn trong nguồn nước, mà nguyên nhân chủ yếu là từ các nhà máy.

Vedan VN, Sonadezi, Hào Dương, Thái Tuấn là những đơn vị đã bị lộ mặt, còn vô số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhỏ khác đang âm thầm thải chất độc ra môi trường. Ở Bình Dương, 7 con bò uống nước kênh đều ngã lăn ra chết. Cơ quan chức năng hốt hoảng truy tìm mới ra nguyên nhân, đó là một cơ sở xi mạ đổ chất thải ra kênh. Bò còn chết huống chi người.

Phần lớn doanh nghiệp đều hô hào văn hóa doanh nhân, văn hóa công ty, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng có văn hóa và văn minh hay không lại là chuyện khác. Nhiều doanh nghiệp quảng bá về mình rất ghê, tài trợ nhiều chương trình văn hóa, cuộc thi người đẹp, tiêu tốn tiền tỷ nhưng lại tìm cách gian dối không xử lý nước thải vì sợ tốn kém, sợ giảm lợi nhuận. Rõ ràng cái hào nhoáng bên ngoài không làm nên văn hóa và thể hiện trách nhiệm xã hội, mà từ cái thực chất là chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường.

Nếu như khói nhà máy cứ phun vô tội vạ, nước bẩn từ các nhà máy vẫn đổ trực tiếp ra sông suối, đất đai, thì những thứ chúng ta ăn uống đều chứa độc tố. Bệnh viện ung bướu ngày càng quá tải, bệnh hiểm nghèo ngày càng gia tăng, đó là hậu quả của những hành vi phá hoại môi trường.

Doanh nghiệp lén lút hủy hoại môi trường là đầu độc người dân, trong đó có chính bản thân họ, gia đình họ. Cho dù họ là đại gia thì cũng thở bầu không khí này, cũng uống nguồn nước từ các dòng sông, cũng phải ăn rau quả, cây trái, cá thịt từ mảnh đất này.

Cho nên, xã hội đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu về nghĩa vụ thuế, chăm lo cho người lao động, tôn trọng và bảo vệ môi trường, những chương trình đánh bóng sẽ rất vô nghĩa nếu như bị xã hội quay lưng, người tiêu dùng tẩy chay. Vedan VN là một ví dụ sinh động, Thái Tuấn rồi đây sẽ phải đối diện với phản ứng của người tiêu dùng nếu như có hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Có một điều rất đáng băn khoăn, đó là hoạt động đổ chất thải ra môi trường rất công khai. Các loại đường ống, cống dẫn, mùi hôi, màu nước đều có thể tố cáo hành vi vi phạm, nhưng không hiểu tại sao lại qua mặt được các cơ quan quản lý, rất ít doanh nghiệp bị phát hiện.

Chúng ta có luật về bảo vệ môi trường, có cơ quan và con người thực thi, nhưng vì sao môi trường vẫn bị tàn phá từng ngày? Câu hỏi này xin được đặt ra cho các nhà quản lý.