Dân Việt

Học sinh lớp 6 nhưng phải nhìn bảng để... chép chữ

Ngọc Vũ 13/11/2016 06:38 GMT+7
Học tới lớp 6 nhưng phải nhìn bảng và chép lại. Đó là thực trạng đáng buồn xảy ra tại Trường THCS Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Nhìn những nét chữ ngoạch ngoạc, không có nghĩa trong vở của các em chép theo trên bảng nhiều người không khỏi xót xa.

Không viết, không đọc được

img

Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Đào chứng kiến việc Hồ Thị Phay (học sinh lớp 6A, Trường THCS Thuận) không biết đọc, chỉ viết được tên của mình

Chúng tôi gặp Hồ Thị Thu (trú Bản 1, xã Thuận), hiện đang học lớp 6A, Trường THCS Thuận khi em đang gòng lưng đạp chiếc xe cà tàng leo dốc. Trả lời câu hỏi kết quả học tập của em thế nào, Thu đưa ánh mắt buồn đáp: “Em chưa biết chữ”.

Thu sống trong căn nhà sàn xiêu vẹo, vách tường được che bằng vài miếng tôn rách. Trong nhà chỉ có vài cái xoong, và một vài bao lúa rẫy. 12 giờ trưa chị Hồ Thị Nhưn (mẹ của Thu) vẫn chưa đi rẫy về nên Thu lấy cơm trắng chấm muối ăn. Thu cho biết, nhà nghèo nhưng mẹ vẫn gắng cho em đi học. Mẹ bảo phải học tốt để đổi đời. Thế nhưng, học đến lớp 6 mà Thu vẫn chưa biết đọc, biết viết thì đổi đời thế nào đây? “Em mà bỏ học thì mẹ sẽ nạt (mắng – PV). Em muốn đi học” – Thu nói.

img

Em Hồ Thị Thu (học sinh lớp 6A, Trường THCS Thuận) không biết đọc, biết viết. Thu sống trong căn nhà sàn tranh vách nứa cũ nát. Ngọc Vũ

Lật dở từng trang vở của Thu, dù đã căng mắt ra nhìn, cố dịch nhưng chúng tôi vẫn không thể hiểu Thu viết những gì. Thu cho biết, những nét chữ, nói rõ hơn là những nét vẽ ấy được Thu chép lại trên bảng, hoặc trong sách. Thu không thể tự viết chữ. Thu cho biết, lên lớp em chỉ ngồi cho có, cô thầy không gọi kiểm tra bài.

Cùng cảnh ngộ là em Hồ Thị Củ (trú Bản 6, xã Thuận) học cùng lớp với Thu chỉ viết được tên của mình, ngoài ra em không biết gì. Anh trai của Củ là Hồ Văn Ngũ phải bỏ học vì đến lên đến lớp 7 mà Ngũ chẳng biết đọc, cũng không biết viết.

Em Hồ Thị Phay (cùng trú Bản 6) là bạn cùng lớp 6A, Trường THCS Thuận với Thu và Củ. Phay cũng chẳng biết viết, biết đọc gì ngoài tên của mình. Phay không thể tính toán quá hàng chục.

Ở xã Thuận, chúng tôi gặp khá nhiều học sinh đã học đến lớp 7, thậm chí lớp 9 nhưng phải bỏ học vì lý do chưa biết chữ. Thiếu con chữ, các em trở nên nhút nhát, tránh tiếp xúc với người lạ.

Vẫn lên lớp bình thường?

img

Ông Nguyễn Văn Khoán, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận cho rằng, học sinh yếu là do ý thức học tập, cha mẹ không quan tâm

Sáng 10.11, ông Nguyễn Văn Khoán - Hiệu trưởng Trường THCS Thuận cho biết, trường hiện có 217 học sinh, 23 cán bộ, giáo viên. Trong trường chỉ có 2 em có vấn đề về thần kinh, trí tuệ phát triển chậm, học theo dạng hòa nhập cộng đồng. Còn các em Củ, Phay và Thu đều bình thường. Không có trường hợp học sinh nào của trường bị ở lại lớp trong vài năm trở lại đây.

Khi PV NTNN đề nghị được gặp các em học sinh chưa biết chữ, ông Khoán đồng ý và cùng cô giáo Lê Thị Đào, chủ nhiệm lớp 6A chứng kiến các em Củ và Phay viết, đọc (riêng em Thu sáng 10.11 nghỉ học). Khi được yêu cầu viết chữ, Củ và Phay chỉ viết được tên của mình, ngoài ra không viết được gì thêm.

img

Nét “vẽ” của Thu chép theo chữ cô giáo trên bảng, không thể đọc được, không có nghĩa. Ngọc Vũ

Dù Củ, Phay và Thu chưa biết viết, biết đọc nhưng trong học bạ tại Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận) vẫn phê “Đã hoàn thành chương trình bậc Tiểu học”. Từ học bạ trên, Trường THCS Thuận đã tuyển các em vào học lớp 6.

Tuy đã chứng kiến sự việc Củ và Phay không biết đọc, biết viết nhưng ông Khoán vẫn cho rằng do các em chỉ hơi yếu một chút thôi. Ông Khoán phân bua, do ý thức học tập của học sinh kém, gia đình không quan tâm đến việc học của con… Cô Lê Thị Đào thì nói rằng, em Thu có biết chữ sơ sơ, còn Củ và Phay vì sợ, ngại nên không viết được.

Ông Hồ A Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết, học sinh trên địa bàn xã đi học khá chuyên cần, học tập tốt. Năm học 2016-2017 tỷ lệ học sinh đến trường ở 2 cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn xã đạt 98%, nhiều năm nay không có học sinh nào ở lại lớp. “Chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào của nhà trường về việc học sinh chưa biết đọc, biết viết. Không biết đọc, biết viết thì làm sao mà lên lớp được?!” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng GDĐT Hướng Hóa cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi ở bậc tiểu học trên địa bàn là trên 99%, còn bậc THCS trên 90,5%. Tỷ lệ học sinh học lưu ban năm 2015-2016 ở bậc THCS toàn huyện là 2% (115 học sinh), ở bậc tiểu học 1,17% (101 học sinh).

Theo ông Đức, đến nay chưa nhận được phản ánh nào về việc học sinh không biết chữ mà vẫn lên lớp. “Khi học sinh làm bài kiểm tra cuối năm để chuyển cấp học từ bậc Tiểu học lên THCS thì sẽ có giáo viên ở Trường THCS về giám sát. Nếu đạt chuẩn kiến thức sẽ được nhận học, nếu không đạt thì phải lưu ban, kiên quyết cho lưu ban chứ không thể cho học lên. Trường hợp học sinh không biết chữ mà vẫn lên lớp thì trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng nhà trường” - ông Đức nói.