Dân Việt

Tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng: Chỉ là giải pháp tình thế!

Minh Nguyệt 14/11/2016 06:00 GMT+7
Quốc hội vừa giao Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng từ 1.7.2017. Điều này khiến các công chức vui một lo mười bởi nỗi lo vật giá sẽ “tát nước theo mưa”.

Lương thấp không dám… lấy chồng

Sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hải Yến (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thất nghiệp 1 năm. Cuối năm 2014, chị may mắn xin được vào làm hợp đồng tại Văn phòng huyện Thanh trì với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, tuy nhiên 3 tháng mới được nhận lương một lần. Mãi tháng 8.2016 chị mới trúng tuyển công chức sau đợt thi công khai.

img

Lương cơ sở mới đáp ứng được 50% mức sống tối thiểu của công nhân viên chức. Ảnh: Minh Nguyệt

Tốc độ điều chỉnh lương so với trượt giá không đạt mục tiêu đặt ra. Mặt khác tiền lương hầu như không tác động nâng cao chất lượng công việc và chất lượng đội ngũ hưởng lương ngân sách. Hiện nay lương thấp với khoảng 30% đội ngũ cán bộ viên chức đang làm việc tận tâm, nhưng lại cao với 50% cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương nhưng không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ bởi đối tượng hưởng lương ngân sách cứ 3 năm lại tăng một lần. 
 

Ông Đặng Như Lợi –
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Tưởng vào công chức cuộc sống bớt vất vả hơn, nhưng đến giờ mức lương của mình mới chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng. Lương thấp không đủ sống, nên đến giờ dù đã 27 tuổi vẫn chưa dám tính đến chuyện lập gia đình” – chị Yến nói.

Chị Yến cũng cho hay, văn phòng chị có đến 4 nhân viên làm cả chục năm mà vẫn chưa được vào công chức, lương thấp nên cuộc sống rất khó khăn. Với mức lương hơn 3 triệu đồng, chưa đến cuối tháng đã hết sạch tiền. Nhiều chị em cùng phòng chị Yến phải tự mang cơm nhà đi ăn, mọi chi tiêu cũng phải rất tiết kiệm. Chị Yến cũng chỉ ra một thực tế đau lòng, hiện nay dù  tốt nghiệp cử nhân của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng mức lương không bằng lương của người chị họ làm công nhân trong khu công nghiệp. Bởi lẽ đó, chị và hàng nghìn công chức, viên chức đều mong chờ tăng lương.

Tuy nhiên, nhận tin sắp được tăng lương, chị Yến lại thở dài chia sẻ: Nếu tính cả 2 lần tăng lương (ngày 1.5.2016 và tới đây vào tháng 7.2017), mức lương của chị sẽ được tăng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên chưa kịp mừng, chị và nhiều lao động khác lại băn khoăn, lo lắng bởi: “Nghe qua thì vui lắm, nhưng vui một mà lo thì mười, sợ nhất là khoản lương chưa tăng mà giá cả, xăng xe, điện nước đã tăng vèo vèo”.

Lương chưa đáp ứng mức sống tối thiểu

Theo tính toán, nếu áp dụng tăng lương từ 1.7.2017, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 8.500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này. 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ. Thực tế cho thấy, qua lần điều chỉnh tiền lương mới đây, chỉ số giá tiêu dùng cũng không tăng cao như lo ngại của người lao động và nhận định của chuyên gia.

Phủ nhận ý kiến cho rằng việc tăng lương cơ sở thêm 90.000 đồng/tháng chỉ là một cách để bù trượt giá, ông Lợi khẳng định: “Phần tăng lương này không phải để bù trượt giá, bởi thực tế, phần tăng lương này cao hơn mức trượt giá. Còn nếu nói đây là cải cách tiền lương cũng chưa phải, bởi đây chỉ là một trong những bước để điều chỉnh mức lương cơ sở, có nghĩa cũng là một bước để điều chỉnh chính sách cải cách tiền lương trong tương lai theo hướng tính đúng, tính đủ”.

Ông Lợi cũng cho biết, bản chất của tiền lương cơ sở mới, dù đã được nâng lên nhưng cũng chỉ đáp ứng được 50% mức sống tối thiểu. Cho nên, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải là cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện.

Đề cập tới những lo ngại của người dân về chuyện lương tăng một mà giá cả tăng mười, ông Lợi cho rằng vấn đề này Chính phủ đã có những tính toán. Chắc chắn Chính phủ đã có những giải pháp vĩ mô để kiểm soát lạm phát, trượt giá. “Thực tế, khi nâng tiền lương thì lượng tiền ra thị trường có lớn hơn cho nên khả năng giá bị đẩy lên cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy Chính phủ cần phải có giải pháp để kiềm chế giá tiêu dùng mới đảm bảo được giá trị tiền lương của người lao động” - ông Lợi nói.

Trước đó, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chia sẻ, thực chất lâu nay chúng ta không tăng lương mà mới chỉ nâng lương tối thiểu. Đây chỉ là một cách để trả lại tiền lương mất đi do lạm phát, nhằm kéo tiền lương thực tế và lương trên danh nghĩa lại gần nhau chứ không phải là tăng lương.

Nhìn nhận ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu tăng lương cơ bản thì sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. Điều này không thể tránh được, nó sẽ tăng lạm phát và ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô. “Tuy nhiên, ở một bình diện khác, việc tăng lương sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Khi lao động có nhiều tiền hơn để tiêu dùng sẽ giúp kích cầu sản xuất, phát triển kinh tế. Không phải cứ tăng lương là tăng lạm phát, nếu việc tăng lương một cách hợp lý nó còn tác động tích cực tới sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và bù trừ cho việc tăng lạm phát do tăng lương” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng mức lương cơ sở Việt Nam còn quá thấp, việc điều chỉnh mức lương là hợp lý nhằm đảm bảo đời sống cho cán độ công nhân viên chức và phát triển kinh tế.