Dân Việt

Hai phương án thay thế vaccin Quinvaxem

07/05/2013 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - Việc quyết định ngừng sử dụng vaccin Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều người dân có con trong độ tuổi phải tiêm lo lắng. Bộ Y tế cho biết đang xem xét 2 phương án vaccin thay thế.

Phụ huynh lo âu

Chị Nguyễn Lan Anh ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, có con nhỏ 5 tháng tuổi, cho biết: Sáng 5.5, theo lịch hẹn, chị cho con đi tiêm nhắc lại mũi Quinvaxem 5 trong 1 lần 2. Tuy nhiên, chị bất ngờ khi cán bộ y tế cho biết đã ngừng tiêm vaccin này để “đảm bảo an toàn cho trẻ”.

img
Nhiều người dân chuyển sang tiêm chủng vaccin dịch vụ cho con. tuấn kiệt

Khi đọc báo, chị thấy việc ngừng vaccin Quinvaxem là do đã có hàng chục trẻ tai biến nặng sau khi tiêm và gần 10 trẻ tử vong. Vì thế, chị rất sợ hãi nếu do chất lượng vaccin thì con chị đã tiêm 1 mũi, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Hơn nữa, 5 bệnh nguy hiểm dự định được vaccin phòng ngừa thì nay liệu con chị có mắc phải, nếu chị chuyển sang vaccin loại khác thì lại sợ 2 loại “xung đột”, mất khả năng phòng bệnh.

Chị Lê Thị Lịch (TP.Bắc Giang) có con 4 tháng tuổi cũng đang đến kỳ hẹn tiêm chủng mũi 1 Quinvaxem 5 trong 1 cũng đang lo lắng vì nhân viên y tế bảo đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Nhưng gia đình chị nghèo, không thể bỏ số tiền 2 triệu đồng cho con tiêm 3 mũi dịch vu...

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, mỗi năm Hà Nội có khoảng 140.000 trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm mũi Quinvaxem, mỗi liều tiêm 3 lần. Vì thế, nếu dừng Quinvaxem thì số vaccin mới cần bổ sung cho trẻ cũng khá lớn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, 2 ngày nay, ngay sau khi ngừng tiêm vaccin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm đã nhận được rất nhiều thắc mắc, lo lắng của người dân.

Hiện, Trung tâm cũng chưa nhận được văn bản chính thức của Cục Y tế dự phòng mà chỉ nhận được thông báo của Sở Y tế sau khi có công văn của Cục Quản lý dược về việc ngừng sử dụng Quinvaxem.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến nay Việt Nam ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến tiêm chủng, trong đó 5 trường hợp tử vong. Hội đồng khoa học làm việc và kết luận, 4 trường hợp tử vong không liên quan đến Quinvaxem, còn 1 trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, Bộ Y tế vẫn quyết định tạm ngừng sử dụng vaccin Quinvaxem trong khi chờ kết quả điều tra của các cơ quan quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới WHO. Ước tính phải mất vài ba tháng, tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cho trẻ.

Yên tâm chờ đợi

Ông Cảm cũng cho biết, nếu người dân có điều kiện thì nên cho con đi tiêm dịch vụ các mũi 2 và 3. Hiện tiêm phòng dịch vụ đang có loại vaccin “5 trong 1” của Pháp giá 600.000 đồng/mũi và loại “6 trong 1” của Bỉ giá 680.000 đồng/mũi. "Nếu mũi 1 tiêm Quinvaxem của Hàn Quốc, mũi 2 và 3 tiêm loại khác thì khả năng dự phòng của cả 2 vaccin này đều đồng nhất, an toàn đối với trẻ”- ông Cảm cho biết.

Nếu như người dân không có điều kiện kinh tế thì nên an tâm chờ quyết định của Bộ Y tế. Lịch tiêm vaccin phòng 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt) là trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng. Vì vậy, nếu trì hoãn tiêm 2-3 tháng để chờ quyết định mới cũng không ảnh hưởng đến tác dụng ngừa bệnh của vaccin.

Thứ trưởng Long cho biết thêm, hiện Bộ Y tế cũng đưa ra các phương án có thể sử dụng vaccin trong nước sản xuất loại “3 trong 1” (như trước kia) và kèm các mũi đơn khác, hoặc có thể trình với Chính phủ để xây dựng đề án nhập vaccin vô bào. Tuy nhiên, phương án còn phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của WHO.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cũng lo ngại, hiện nay vaccin vô bào giá thành rất cao, nếu nhập vaccin vô bào thì mỗi năm, chương trình tiêm chủng mở rộng tiêu tốn khoảng 700-800 tỷ đồng. Thậm chí, kể cả vaccin vô bài thì cũng không loại trừ 100% các tai biến sau tiêm chủng. Vì thế, người dân nên kiên nhẫn chờ kết luận của các nhà khoa học.