Anh Trần Minh Luân, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thu mua nấm rơm thương phẩm về cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Theo anh Võ Minh Dũng, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, hiện nay, nấm rơm có mặt trên thị trường quanh năm, đặc biệt là vào khoảng tháng 10 hàng năm không khí chất nấm rơm rất sôi nổi. Thậm chí có hộ phải xuống tận Vĩnh Tuy, Sóc Trăng, Bạc Liêu để mua rơm nguyên liệu. Việc đi mua rơm có hơi xa nhưng đổi lại giá rẻ, khoảng 160.000 đồng/công nên người dân kiếm “ăn” được.
“Chất nấm rơm rất cực, vì phải ủ rơm, cấy meo, nhưng nếu chịu khó thì thu nhập kinh tế mang lại khá cao, trên 500.000 đồng/công rơm”, anh Dũng thông tin thêm. Trước nguồn thu hấp dẫn đó, vụ này, anh Dũng đã thu mua hơn 30 công rơm của người dân tại địa phương và chất được khoảng 300 chai meo, năng suất ước đạt gần 1 tấn nấm rơm thương phẩm. Hiện thương lái cân với giá 40.000 đồng/kg đối với loại nấm được hái lúc khuya và 29.000 đồng/kg nấm rơm hái vào ban ngày. Qua đó, sau khi trừ đi hết chi phí sản xuất, chăm sóc và thu hoạch kéo dài hơn nửa tháng, anh Dũng còn lãi trên 10 triệu đồng.
Thay vì trước đây, sau khi thu hoạch lúa xong, người dân thường đốt rơm ngoài đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường thì hiện đã được tận thu để bán cho những hộ có nhu cầu chất nấm, cung cấp sản phẩm nấm đóng hộp xuất khẩu đi nước ngoài.
Anh Trần Minh Luân, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, người thu mua nấm rơm về cơ sở chế biến, cho biết: “Mỗi ngày, tôi thu mua về hàng tấn nấm rơm vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa cung ứng ra nước ngoài. Vì thế, hàng năm tôi liên kết với công ty ở Sóc Trăng xuất khẩu trên 20 tấn nấm rơm thương phẩm, bình quân bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg nấm rơm ướp muối nên thu lãi về khá cao”.
Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, nhiều hộ dân trong tỉnh đã áp dụng khoa học kỹ thuật để có thể chất nấm quanh năm, trong đó có mô hình trồng nấm rơm trong nhà; trồng theo ụ nhỏ (tức là chất dòng nấm gọn bằng cái thúng để tận dụng triệt để diện tích đất trống), hay là thuê, mượn đất vườn của người dân địa phương sở tại để chất nấm theo quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Trường, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Trước đây, tôi chất nấm rất ít, chủ yếu để kiếm tiền trang trải trong nhà, nhưng hiện tại tôi chất với số lượng lớn. Người chất nấm rơm cũng ngán ngại thời tiết thay đổi, bởi khi mưa nhiều, cây nấm sẽ bị teo lại, năng suất sụt giảm mạnh. Vì thế, muốn trúng mùa trúng giá thì nên lựa chỗ chất cao, thoát nước tốt, song phải có ánh sáng để đảm bảo đủ nhiệt độ cho meo nấm phát triển”.
Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Trường đã thật sự thành công với nghề chất nấm rơm để phát triển kinh tế gia đình. Đáng kể là hiện nay, ông Trường vừa thu hoạch dứt điểm đợt trồng nấm rơm, với số lượng 60 công rơm, tương đương 600 chai meo, năng suất mang về trên 2 tấn nấm thương phẩm và bán với giá 40.000 đồng/kg loại nấm được hái lúc khuya. Cho nên, sau khi trừ đi tiền thuê mướn nhân công chuyên chở rơm và chất nấm, ông còn lời khoảng 30 triệu đồng.
“Tôi nhớ vào lúc năm 2000, giá nấm rơm rất thấp, khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Còn hiện tại, thương lái thu mua nấm thương phẩm có giá lên đến 40.000 đồng/kg, cao gần gấp 10 lần so với thời điểm hơn chục năm về trước. Vì thế, trong đợt canh tác sắp tới, tôi dự định sẽ chủ động đi thu mua rơm ở các địa phương khác về chất nấm để góp phần nâng cao cuộc sống gia đình”, ông Trường chia sẻ thêm.
Như vậy, bên cạnh việc các mô hình trồng hoa màu, làm lúa, làm vườn thì những hộ dân không có đất sản xuất, hay có vốn ít đều có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chất nấm rơm. Điều này, vừa giúp người dân nông thôn cải thiện sinh kế gia đình, vừa giúp cho nhiều cánh đồng trong tỉnh hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ cho những vụ lúa tiếp theo.