Dân Việt

Nông thôn xứ Quảng “thay áo mới”

Đoàn Hồng 16/11/2016 14:20 GMT+7
Là địa phương có xuất phát điểm về kinh tế thấp, nhưng sau gần 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Quảng Ngãi đã “thay áo mới”.

img

Các công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế... được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Đ.H

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nổi bật. Toàn tỉnh có 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch, trong đó đã có 11 xã đạt 19 tiêu chí, 20 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, số tiêu chí bình quân/xã 9,62, tăng 0,48 so với cuối năm 2015...

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, nhận thức của phần lớn cán bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình được nâng lên rõ rệt. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được thể hiện ở sự đồng tình ủng hộ, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng NTM.

img

Việc xây dựng các cánh đồng mẫu, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp cho người nông dân Quảng Ngãi giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Đ.H

Trong 5 năm (2011-2015), Quảng Ngãi đã đầu tư gần 765.553, trong đó nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2016 đầu tư thêm 267.100 triệu đồng xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư sở hạ tầng, giao thông, y tế, trường học, kênh mương nội đồng… Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 60% Số xã đạt chuẩn NTM (98/164 xã ), bình quân số tiêu chí/xã là16,5 tiêu chí; phấn đấu đưa 5 huyện là Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…

img

Người dân hiến đất, tham gia hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông. Ảnh: Đ.H

Ngoài ra, Quảng Ngãi tập trung xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc...