Một con sông Thủ đô đang phải hứng chịu nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy hay từ các con sông khác đổ vào.
Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, đối với sông Nhuệ, sông Đáy đã có Ủy ban lưu vực sông gồm các tỉnh, sông Cầu và nhiều dòng sông khác cũng đã có Ủy ban lưu vực sông và chúng ta cũng đã có những đề án được Chính phủ phê duyệt tập trung vào các dự án cấp bách giải quyết ô nhiễm dòng sông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai.
"90% nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy là Hà Nội, 10% còn lại là các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam và một số địa phương khác. Vậy tại sao phải tính toán dự án xử lý ô nhiễm này mà không xác định địa phương đứng ra chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện xử lý, đó là cơ chế phân công”- Bộ trưởng nói.
Theo ông, vấn đề công nghệ và huy động nguồn lực, hiện nay đối với Hà Nội có khoảng 2 triệu m3 nước thải từ sinh hoạt từ hệ thống hạ tầng cũ xuống cấp không thu gom được nên nước thải và nước mưa đi với nhau chạy thẳng ra sông, có khoảng 3 cụm làng nghề lớn mà lượng nước thải chưa được xử lý và kèm theo các nguồn khác. Để giải quyết vấn đề trên, cần tập trung vào các khu vực có lượng nước thải lớn nhất, đó là làng nghề và khu vực đô thị đông dân cư.
Một vấn đề nữa là công nghệ và cách làm, với thực trạng hạ tầng Hà Nội hiện nay làm thế nào để có thể tính toán và thu gom tập trung được nước thải, phải tính đến mô hình phân tán, công nghệ phân tán và tính đến cách thức thu gom nước thải, có thể thu gom dọc bờ sông. Vậy xử lý nước ở thượng nguồn hay hạ nguồn thì cũng cần bổ sung nước cho dòng sông, khơi thông dòng chảy, bảo vệ bờ sông, vùng sinh thủy, đó là những công việc chúng ta cần làm để xử lý ô nhiễm các dòng sông.
“Quan trọng nhất là tiền đâu. Bây giờ Hà Nội đã xử lý được một nửa số tiền cần thiết, nguồn vốn đó đến từ ngân sách, vốn ODA, vốn đóng góp từ doanh nghiệp. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp sẽ tham gia, doanh nghiệp sẽ ngại tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng, thu gom nước thải vì không thấy lợi nhuận, tuy nhiên khi tính toán đầu tư nhà máy xử lý nước thải thì doanh nghiệp hoàn toàn có lợi ích khi chúng ta trả chi phí hợp lý, đầy đủ. Chính vì vậy tôi đề nghị cần phải xem xét để lựa chọn mô hình có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy, vận hành nhà máy thậm chí chuyển giao công nghệ khi cần thiết” - Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nhà nước phải tập trung ODA vào nguồn vốn ngân sách để tập trung xử lý nước thải ở thượng nguồn và làng nghề.
Theo Bộ trưởng, vấn đề tiếp theo là sử dụng ngân sách và tính toán đầy đủ, nếu sử dụng ODA hiện nay theo tính toán thông thường được áp đặt về công nghệ, dự án ODA phải mất 4 - 5 năm để đàm phán mới có dự án, thế thì bao giờ thành công trong năm tới được.
"Chúng tôi xem xét tính toán theo hình thức công tư, nguồn vốn ODA nên hòa vào ngân sách để tránh áp đặt công nghệ, nếu loại bỏ được khâu này thì trong vòng 6 tháng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư, từ đó đưa ra hợp đồng thương thảo nhà nước đầu tư gì, doanh nghiệp đầu tư vận hành kinh doanh và chuyển giao" - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ TNMT cũng khẳng đinh: “Với việc sử dụng ngân sách linh hoạt như thế thì hơn 1 triệu m3 nước thải Hà Nội sẽ được xử lý nhanh chóng, ngân sách ODA không cần đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp mà sử dụng bù lại cho doanh nghiệp lãi suất vay ngân hàng, như thế doanh nghiệp sẽ có vốn để làm. Với cách làm như thế, khi chúng ta có mô hình đầy đủ, có công nghệ thu gom xử lý cho đến mô hình quản trị, mô hình ba bên thì mỗi dòng sông sẽ chỉ mất 5 năm là làm tốt xử lý môi trường. Hà Nội đang đi theo hướng này và họ đang làm rất tốt”.
Chúng ta sẽ dần tiếp cận cách thức mọi người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, nên tất cả các làng nghề phải xử lý tập trung nước thải rác thải và phải chịu chi phí. Bộ TNMT Trần Hồng Hà |