Dân Việt

"So găng" uy lực của Su-27 Nga và F-15 Mỹ

Minh Anh 16/11/2016 09:30 GMT+7
Chiến đấu cơ F-15 Eagle đã là một biểu tượng của không quân Mỹ kể từ khi nó bắt đầu được đưa vào biên chế, trong khi Su-27 cũng được đánh giá là máy bay huyền thoại của không quân Nga. Đây là 2 chiếc máy bay cùng được tạo ra ở những năm 1970 với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tương đương nhau, tuy nhiên tiêm kích nào mới thực sự mạnh hơn?

Lịch sử chiến đấu

Không có cách so sánh nào tốt hơn việc xem xét những gì các chiến đấu cơ này đã làm được thực chiến.

F-15 đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới kể từ năm 1972 đến nay nhưng chưa lần nào nó bị bắn hạ. Đây có lẽ là kỉ lục khó máy bay nào xô đổ nổi, ngoài ra, F-15 cũng từng bắn hạ hơn 100 máy bay các loại của đối phương, điều ấn tượng không kém.

img

Chiến đấu cơ F-15 và Su-27 (phải)

Dòng máy bay Su-27 ít được thấy trong thực chiến hơn, tuy nhiên, một chiếc đã bị bắn rơi trong chiến tranh Chechnya (1994), trong khi Su-27 đã bắn rơi ít nhất 2 chiếc MiG-29 trong chiến tranh Ethiopia – Etriea (1998 – 2000). Mẫu máy bay cũng đã tham gia chiến dịch quân sự ở Gruzia, Nam Ossestia và gần nhất là nội chiến Syria.

Hệ thống điện tử hàng không

Trong chiến tranh hàng không hiện đại, các hệ thống điện tử của máy bay là yếu tố quyết định. Radar đóng vai trò như "đôi mắt và đôi tai" trong khi các hệ thống tác chiến điện tử sẽ giữ cho đối thủ “mù và điếc”.

F-15 sử dụng radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-63(V)3, điều giúp máy bay có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 160km và điều hướng tên lửa tầm trung AIM-120 đến tiêu diệt. F-15 cũng có một hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-135, được đánh giá là vô cùng hữu dụng trong việc chống lại radar hay thậm chí là tên lửa của quân địch. 

img

F-15 có hệ thống điện tử hiện đại hơn Su-27 mặc dù ra đời trước

Trong khi đó, hệ thống điện tử của Su-27 đáng chú ý ở radar N001 Mech, có khả năng phát hiện ra các mục tiêu kích thước to bằng một quả bom tầm trung ở khoảng cách 130km. Tuy nhiên, radar này lại chỉ có thể phát hiện các chiến đấu cơ của đối phương ở khoảng cách 100km, tức là bằng 2/3 so với radar của F-15. Su-27 cũng có thể được lắp đặt hệ thống tác chiến điện tử Sorbtsiya, tuy nhiên, không phải phiên bản nào cũng có thiết bị này.

Vũ khí

F-15 có thể mang được 8 tên lửa không đối không, trong đó vũ khí thường xuyên được sử dụng là 4 tên lửa AIM-120 tầm bắn 160km và 4 tên lửa AIM tầm bắn 35km. Nó cũng mang theo được súng máy M61 20mm  với 900 viên đạn.

Su-27 có thể mang theo 6 tên lửa không đối không R-27 tầm bắn 120km với hệ thống dẫn đường bán tự động để truy tìm mục tiêu. Những vũ khí khác có thể kể đến như súng cối GSh-30 30mm hay 4 tên lửa R-73.

Hiệu suất

F-15 có thể đạt vận tốc tối đa Mach 2.5, bán kính chiến đấu 2000km và khả năng điều hướng linh hoạt khi cận chiến. Chiếc máy bay cũng có thể lắp thêm 5 thùng nhiên liệu phụ để tăng, tầm hoạt động lên tới 5000km.

img

Máy bay Su-27 có khả năng cận chiến rất tốt

Su-27 có vận tốc tối đa lên tới Mach 2.35 và tầm hoạt động 3.500km. Nó có khả năng thực hiện được các động tác kĩ thuật hàng không đáng kinh ngạc nên được cho là vô cùng nguy hiểm trong cận chiến.

Cả 2 mẫu máy bay này đều có thể tiếp được nhiên liệu trên không.

Kết luận

Mặc dù F-15 mang một thiết kế cũ hơn nhưng hệ thống điện tử hàng không hiện đại lại khiến nó có lợi thế hơn so với Su-27.

Nếu F-15 đối đầu với Su-27, các chiến đấu cơ Mỹ sẽ phát hiện ra các tiêm kích của Nga trước. Một khi Su-27 rơi vào tầm băn của AIM-120, phi công của F-15 sẽ khai hỏa tên lửa và thường là liền một lúc 2 quả. Điều này có thể tiêu diệt ngay Su-27 nhờ yếu tố bất ngờ và tốc độ cao của AIM-120.

Khi cận chiến, tên lửa tầm ngắn R-27 của Su-27 và AIM-9 của F-15 được đánh giá là tương đương nhau về sự lợi hại, tuy nhiên, máy bay Nga lại được cho là linh hoạt và uyển chuyển hơn tiêm kích Mỹ.

Như vậy, có thể kết luận F-15 sẽ có khả năng tiêu diệt Su-27 từ xa, nhưng nếu máy bay Mỹ bắn trượt và phải giải quyết cuộc đối đầu bằng cận chiến, nó sẽ có ít khả năng giành chiến thắng trước máy bay Nga.