Dân Việt

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tiền đến tay chủ rừng còn chậm

Hồng Vũ 17/11/2016 06:00 GMT+7
Tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước đã ký được 464 hợp đồng ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với các cơ sở sử dụng DVMTR. Đó là thông tin đáng chú ý tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả DVMTR”, vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức.

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, trong 464 hợp đồng ủy thác nói trên, quỹ trung ương ký 64 hợp đồng, quỹ tỉnh ký 400 hợp đồng. Mặt khác, nguồn tiền DVMTR của cả nước hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 6 năm nay đạt trên 5.700 tỷ đồng, từ 3 nhóm đối tượng: cơ sở thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở du lịch.

Thêm thu nhập cho người trồng rừng

img

Đã có hơn 500.000 hộ dân sống trong và gần rừng nhận được tiền chi trả DVMTR.  Ảnh: T.L

Vẫn còn 2/5 loại dịch vụ chi trả DVMTRchưa được triển khai, việc quy định mức chi trả theo Nghị định 99 đến nay không còn phù hợp với tình hình lạm phát và biến động tăng giá như hiện nay. Đồng thời, vấn đề chi trả theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR giữa các tỉnh đã tạo ra sự chênh lệch lớn, dẫn đến tình trạng không công bằng của người dân với các vùng khác nhau”.

Ông Trần Văn Khởi -
quyền Giám đốc Trung tâm
Khuyến nông quốc gia

Trong 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, số tiền chi trả cho chủ rừng và các tổ chức không phải chủ rừng là 4.500 tỷ đồng. Đã có hơn 500.000 hộ dân sống trong và gần rừng nhận được tiền chi trả DVMTR, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và đời sống. Ông Phạm Hồng Lượng cho biết: “Tới thời điểm này, mặc dù số tiền chi trả DVMTR chưa hoàn toàn đáp ứng được giá trị sức lao động và nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhưng quả thật việc chỉ trả rất có ý nghĩa, nhất là đối với các hộ nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở miền núi”.

Xã Thung Nai, huyện Cao Phong là một trong những xã được dự án phát triển rừng chi trả tiền DVMTR trên địa bàn Hòa Bình. Để đảm bảo an toàn nguồn kinh phí chi trả kịp thời, đúng đối tượng, hằng năm quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh trực tiếp chi trả tiền cho từng chủ rừng. Với chính sách này, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương đã đạt hiệu quả thiết thực, không có tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy. Người dân đã có ý thức bảo vệ rừng và khai thác nguồn lợi từ rừng đem lại. Do vậy, hàng năm bà con đã cải tạo và trồng mới rừng được hơn 10ha rừng.

Ông Bùi Văn Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thung Nai phấn khởi cho biết “Hiện trên địa bàn xã Thung Nai có 524 hộ, bảo vệ trên 3.600ha rừng, với  diện tích rừng được chi trả tiền phí DVMTR là trên 1.200ha. Đơn giá bình quân là 150.000 đồng/ha/năm. Số tiền này tuy chưa tương xứng với công lao động của người dân nhưng cũng đã phần nào giúp các hộ có thêm thu nhập, tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.

Việc chi trả vẫn còn khó khăn

Tham dự diễn đàn, ông Bùi Văn Dũng ở xóm Tiện, xã Thung Nai chia sẻ: “Gia đình tôi có 8ha đất, trong đó có hơn 3h đất rừng trồng cây keo. Từ ba năm trước đây tôi đã được xã hướng dẫn làm các thủ tục chi trả DVMTR và nhận được tiền chi trả vào tháng 12 hàng năm. Lúc đầu mức chi trả chỉ được 80.000 đồng/ha, giờ đã tăng lên 150.000 đồng, dù mức chi trả này còn thấp nhưng cũng động viên bà con trồng rừng ở quê tôi”.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, trong 5 năm qua, tỉnh đã thu được 53.740 triệu đồng quỹ DVMTR, đã giải ngân, thanh toán cho chủ rừng tại 3 lưu vực và chi phí hoạt động của Ban điều hành quỹ cùng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban quản lý rừng phòng hộ sông Đà là 45.952 triệu đồng. Hiện, tổng quỹ còn tồn là 7.788 triệu đồng.

Khó khăn của việc chi trả cũng được ông Tuấn cho hay: “Chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh tới từng chủ rừng còn khó khăn do quy định tại chính sách và các văn bản liên quan tới phương thức, hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa phù hợp đặc thù địa phương. Mặt khác, diện tích rừng chi trả manh mún, nhỏ lẻ, mất nhiều thời gian cho công tác nghiệm thu thanh toán. Với mức chi trả còn thấp cùng với chênh lệch chi trả trên các lưu vực rất lớn đã gây khó khăn cho công tác vận động tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng tới người dân”.

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, nhu cầu kinh phí cho bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương rất lớn trong khi quy định về kinh phí dự phòng chỉ được áp dụng trong trường hợp có thiên tai hay khô hạn. Điều này thực sự chưa linh hoạt, làm giảm hiệu quả của chính sách.