Dân Việt

TP.HCM: Số người nhiễm virus Zika tiếp tục tăng lên

Lê Phương 18/11/2016 11:26 GMT+7
Ngày 17/11 TP HCM ghi nhận thêm 8 ca bệnh Zika, nâng số người nhiễm virus lên 46, trong đó quận Bình Thạnh và quận 2 vẫn là địa bàn có nhiều bệnh nhân nhất.

imgNhiều người dân không đồng ý để các nhân viên y tế vào nhà phun hóa chất diệt Zika. Ảnh: M.T (Zing)

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết hiện 13 trong số 24 quận huyện thành phố có bệnh nhân nhiễm virus Zika. Các quận có số bệnh nhân nhiều là Bình Thạnh, quận 2 (9), quận 9 (5), quận 12, Tân Phú (4), Hóc Môn, Thủ Đức (3), quận 4, 5, Bình Tân (2). Các quận 1, 10, Cần Giờ mỗi nơi một bệnh nhân.

Với những bệnh nhân mới được phát hiện này, số ca Zika được ghi nhận cả nước hiện đã 54. Đăk Lăk và Bình Dương mỗi nơi đều 2 bệnh nhân, còn Khánh Hòa, Phú Yên và Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện mỗi nơi một ca. Ngoài ra một em bé 4 tháng tuổi ở Đăk Lăk là đứa trẻ Việt Nam đầu tiên được ghi nhận mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.

Theo bà Thái Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, khó khăn hiện tại là trên địa bàn quận có nhiều công trình, dự án đang thi công dang dở, tù đọng nước gây phát sinh muỗi. Ngoài ra, nhiều hộ dân trên địa bàn không hợp tác với ngành y tế, không đồng ý cho lực lượng phun hóa chất diệt muỗi vào nhà.

Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 cũng đã gặp trường hợp tượng tự khi nhiều tiểu thương ở khu vực chợ An Đông (nơi phát hiện ca nhiễm Zika đầu tiên trên địa bàn quận) không đồng ý để lực lượng dân quân vào xịt thuốc diệt muỗi. Nhiều hộ kinh doanh ăn uống đưa ra lý do phun xịt sẽ ảnh hưởng đến thức ăn, một số khác sợ hóa chất sau khi phun làm bẩn nhà cửa, hàng hóa.

Ông Lâm Sanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 5, cho biết đã mất một ngày để cử cán bộ xuống tận nơi giải thích và thuyết phục các tiểu thương dẫn đến công tác phun xịt thuốc chậm so với kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các biện pháp phòng dịch cụ thể đã được Sở Y tế đưa ra từ lâu nhưng việc thực hiện tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả.

Qua giám sát, ngành y tế phát hiện nhiều nơi vẫn còn tồn tại các vật chứa nước, bãi nước đọng có lăng quăng, nhiều người dân chưa quan tâm về dịch bệnh Zika để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.

Ông Hưng cũng đã thông báo về trường hợp một thai phụ nhiễm virus Zika ở TP.HCM đã sinh con và đứa trẻ hoàn toàn bình thường, không xuất hiện các di chứng của tật đầu nhỏ. Đây là một trong 4 thai phụ bị nhiễm Zika trên địa bàn thành phố, được ngành y tế đưa vào diện theo dõi đến hết thai kỳ và sau khi sinh.

Hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Tăng cường diệt loăng quăng, muỗi tại nơi sinh sống và nơi làm việc. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi. Những đường lây truyền là qua muỗi Aedes, qua quan hệ tình dục, truyền máu, mẹ truyền sang con. Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TP HCM và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí.

Dấu hiệu nhận biết Zika:

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.