Hướng đến xây dựng thương hiệu gạo
Theo Ban tổ chức, tham gia hội thi lần này có 6 đơn vị dự thi với 9 giống lúa (ST19 mới, ST21-3, OM 7347, Nàng Hoa 9, Nàng Tiên, LP16, LP8, Đài Thơm 8 và KC06-1). Các giống dự thi phải là giống gạo trắng, có hàm lượng amylose ≤ 20%; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và xác minh được chủ sở hữu hoặc là giống cổ truyền bản địa.
Ban giám khảo thử cơm do các đơn vị tham gia hội thi nấu. Ảnh: C.L
Giải nhất hội thi thuộc về giống lúa ST19 mới của Doanh nghiệp tư nhân Thương mai dịch vụ Hồ Quang, với trị giá giải thưởng 20 triệu đồng. Giống lúa ST19 mới có chu kỳ sinh trưởng 105-110 ngày, hạt gạo mềm, dẻo, hàm lượng amylose 15%, thuộc nhóm gel mềm (độ bền gel 100mm). Mùi thơm hạt gạo đặc trưng của lúa tám ngày xưa nhưng nay đã có thêm mùi dứa của lúa thơm Nam Bộ. Hạt gạo ST19 mới không còn dài như trước, chỉ khoảng 7,5mm nhưng hương vị đậm đà không kém. Giống lúa ST19 mới đã khắc phục được nhược điểm dễ bị bệnh cháy bìa lá của giống ST19 cũ. |
Tổng số điểm chấm là 100 điểm, dựa theo 8 tiêu chí: Độ thể bền gel, độ nguyên hạt cơm, màu sắc hạt cơm, độ dẽo hạt cơm, vị ngọt, mùi thơm, tính chất đặc biệt được cộng thêm và điểm thuyết trình.
Tại hội thi, hai giống lúa Đài Thơm 8 và KC06-1 của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) gây ấn tượng bởi chất lượng, năng suất vượt trội.
Cụ thể, giống lúa lai KC06-1 có thời gian sinh trưởng trong điều kiện cấy tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ là 98-103 ngày, hạt gạo thon dài, ít bạc bụng, tỷ lệ gạo nguyên cao, cơm dẻo, ngon, thơm nhẹ. Chiều cao cây từ 105-110cm, chống chịu đạo ôn tốt, thích hợp với điều kiện thâm canh cao. Đặc biệt, giống lúa lai KC06-1 có năng suất rất cao, thường đạt cao hơn giống lúa thuần phổ biến từ 25-30% và cao hơn giống lúa lai phổ biến từ 5-10% trong cùng điều kiện chăm sóc. Trong canh tác, giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh vàng lùn, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn.
Còn giống lúa Đài Thơm 8 có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ, cây cao từ 98-102cm, phẩm chất gạo hạt dài, không bạc bụng, cơm thơm, dẻo và có vị đậm. Giống lúa này đẻ nhánh khỏe, bông dài, kết hạt dày và cứng cây, chống chịu tốt, thích nghi rộng, chịu được phèn, mặn khá. Năng suất giống đạt từ 7-8 tấn/ha, tiềm năng có thể đạt 10 tấn.
Nhiều đại biểu cho rằng, hai giống lúa này chống chịu sâu bệnh, phèn mặn tốt, mở ra triển vọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng ĐBSCL.
Nhân rộng những giống lúa chất lượng
TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), Trưởng ban giám khảo nhận xét: Qua cuộc thi này, chúng ta có thể thấy nước ta không thiếu những giống lúa có chất lượng. Hội đồng Ban giám khảo cũng đã được thử cơm do các đơn vị dự thi nấu, chúng tôi đều thấy cơm rất thơm, ngon. Rõ ràng, hội thi này chúng ta đánh giá chính về chất lượng hạt gạo nấu thành cơm, điểm cao nhất là tiêu chí mùi thơm, độ ngọt, ngon của cơm.
“Thông qua hội thi, có thể thấy Việt Nam không thiếu những giống lúa vừa có chất lượng gạo thơm, ngon mà còn có tính chống chịu cao, ngoài ra còn có những giống kháng được nhiều sâu bệnh. Như vậy, vấn đề còn lại của chúng ta sắp tới là phải tổ chức lại sản xuất để nhân rộng những giống lúa có chất lượng, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” – TS Lê Văn Bảnh chia sẻ.
Tại hội thi, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thành phần ban giám khảo ngoài nhà khoa học, nhà quản lý thì còn có các doanh nghiệp. Chính họ sẽ đánh giá được nhu cầu về chất lượng hạt gạo để mở rộng kinh doanh, sản xuất trong tương lai.
Chia sẻ tại hội thi, ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nói: Với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập người trồng lúa, chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia công tác lai tạo, chọn lọc để làm ra những giống lúa có chất lượng, phục vụ cho sản xuất cũng như cho xuất khẩu.