Khối u... tự rụng
Các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bạch Mai) vừa “đỡ” thành công một khối u xơ tử cung cho một bệnh nhân sau 2 tuần thực hiện kỹ thuật nút mạch máu để “chặn đường sống” của khối u. Bệnh nhân là chị N.T.M (42 tuổi, Hà Nội). Chị này cho biết, từ đầu năm bỗng thấy bụng to lên nhanh chóng, tuy nhiên chị chỉ nghĩ mình đến tuổi “béo bụng”. Một thời gian sau chị bỗng phát hiện “vùng nhạy cảm” có vật thể lạ luôn thập thò. Thậm chí chị còn có thể sờ thấy, sau đó nhìn thấy “vật thể lạ” như một quả cam lớn ở cửa âm đạo. Sợ hãi, chị đi khám phụ khoa thì được chẩn đoán u xơ ở cổ tử cung. Do dây chằng khối u dài nên khối u đã lộ một nửa ra bên ngoài. Các bác sĩ khuyên chị cắt bỏ tử cung bao gồm cả khối u vì “đằng nào cũng không có nhu cầu sinh nở nữa”. Nhưng chị lại lo ngại việc cắt tử cung khiến mình “hết đàn bà” nên cứ lần lữa, còn khối u ngày càng lớn, gây chèn ép vô cùng khó chịu.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền đang tiến hành một ca nút mạch diệt khối u. ảnh: Diệu Linh
Tuy nhiên, khi được điều trị bằng phương pháp nút mạch ngăn chặn khối u, khối u của chị M đã teo bớt lại. Sau 2 tuần điều trị, cuống khối u bị “héo”, tự rụng xuống và chui ra ngoài. Khối u to như quả cam lớn với đường kính hơn 10cm.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền (Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, u xơ tử cung là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Cứ 10 phụ nữ độ tuổi trên 30 lại có 3-4 người bị u xơ tử cung. U xơ là dạng u lành, đôi khi chung sống “hữu hảo” với người bệnh. Với những khối u “ngoan ngoãn” này thì không cần phải can thiệp dao kéo. Các khối u sẽ teo nhỏ lại khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, không ít khối u to lên nhanh chóng khiến bụng bệnh nhân phình lớn như mang thai 5-6 tháng. Các khối u to có thể gây đau tức bụng, rong kinh, chèn ép lên bàng quang, đại tràng gây hiện tượng đi đại tiểu tiện nhiều lần. Với khối u này, bên sản khoa thường có xu hướng mổ cắt khối u và cắt một phần hoặc cắt cả tử cung. “Phẫu thuật cắt u xơ tử cung khá nguy hiểm, thường gây chảy máu bất thường, ồ ạt. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ thường chỉ định cắt cả tử cung, thậm chí cả buồng trứng nếu khối u làm tổn thương buồng trứng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ trẻ, việc cắt tử cung, buồng trứng là một bi kịch” – bác sĩ Hiền cho biết.
Không đau, không biến chứng
Chị em sau 30 tuổi cần đi khám phụ khoa thường xuyên để được chẩn đoán sớm u xơ tử cung. Với các khối u nhỏ có thể uống thuốc để khối u teo nhỏ hoặc có các can thiệp tiêu diệt khối u mà không cần phẫu thuật”. |
Bác sĩ Lương Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cũng nhận định, các khối u xơ tử cung to có thể gây đau đớn, chảy máu hoặc chèn ép lên các bộ phận khác trong cơ thể thì phải chỉ định phẫu thuật. Nhưng nếu đã phẫu thuật thì hầu hết phải cắt bỏ tử cung, thậm chí cả buồng trứng. Người phụ nữ sẽ không thể sinh nở. Ngoài ra, chị em có thể gặp các tai biến như chảy máu ồ ạt, tổn thương ruột, bàng quang, niệu quản, biến chứng sau mổ như nhiễm trùng, rò bàng quang – âm đạo…
Theo bác sĩ Hiền, việc cắt bỏ tử cung không chỉ làm mất chức năng sinh nở của phụ nữ mà còn khiến chị em tự ti, buồn rầu vì không còn là “phụ nữ đích thực”. Đồng thời, việc cắt tử cung làm ảnh hưởng đến nội tiết, gây khô rát khi quan hệ tình dục, khiến chị em “tắt lửa lòng”, làm chất lượng sống của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng. “Không ít bệnh nhân cắt tử cung vì u xơ đã suy sụp, mất hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên, với kỹ thuật nút mạch diệt khối u mà không phải cắt bỏ tử cung, hàng ngàn phụ nữ đã bảo vệ được phần “nữ tính” quan trọng của mình” – bác sĩ Hiền chia sẻ.
Bệnh nhân bị u xơ tử cung trẻ nhất mà bác sĩ Hiền và đồng nghiệp đã can thiệp mới 22 tuổi, chưa lập gia đình. Khi vào viện, cô khóc ròng vì các bác sĩ cho biết phải cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, với kỹ thuật nút mạch, khối u của cô đã bị “chết đói” và dần dần teo nhỏ mà không bị mất mát bất cứ bộ phận cơ thể nào. “Rất nhiều bệnh nhân u xơ tử cung dưới 40 tuổi đã có thể giữ được “tổ” để tiếp tục sinh con. Quan trọng hơn là giữ được sự tự tin, hạnh phúc” – bác sĩ Hiền cho biết.
Theo bác sĩ Hiền, kỹ thuật nút mạch là luồn dây ống thông nhỏ dưới 1mm vào các động mạch nuôi khối u, sau đó bơm những hạt nhựa bịt kín các động mạch này lại. Sau một thời gian “mất dinh dưỡng”, các khối u sẽ “chết đói” và dần dần teo nhỏ lại. Với một số khối u nhỏ có thể còn rụng hẳn khỏi tử cung và chui ra ngoài bằng đường tự nhiên. Bệnh nhân được can thiệp không đau và có thể ra viện sau 1 ngày. Bác sĩ Hiền chia sẻ, kỹ thuật này đã từng can thiệp thành công với những khối u đường kính lớn 10-15cm. Hiện kỹ thuật này đã được chuyển giao thành công tới nhiều bệnh viện tỉnh ở Hải Phòng, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Quảng Bình... /.