Địa chỉ đào tạo danh tiếng này đã thu hút khoảng 70% con em nông dân và gia đình sống ở nông thôn nước ta trong tổng số sinh viên theo học tại khoa trong nhiều năm qua.
Năm nay, dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2016) cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Gia Lâm - bộ môn Văn học nước ngoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH-NV) về câu chuyện “đào tạo” và ”thắp lửa đam mê” của các thế hệ Thầy – Trò khoa Văn học.
Chân dung PGS.TS Phạm Gia Lâm. Ảnh: NVCC
Thưa Phó Giáo sư, là người đã gắn bó lâu năm với khoa Văn học và đã từng tham gia công tác quản lý của Trường, thầy có suy nghĩ ra sao về các thế hệ khoa Văn trước thềm Hội khoa 60 năm diễn ra vào cuối tuần này?
- Từ năm 1969 cho đến này, ngoài mấy năm rời giảng đường tham gia quân đội thời gian chiến tranh chống Mỹ và đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tôi chỉ có một nơi học tập và công tác là khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là khoa Văn học, Trường ĐHKHXH-NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vì vậy tôi được tiếp xúc với nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên của Khoa. Sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu sáu mươi năm qua của Khoa có sự tham gia của 60 khóa sinh viên và khoảng 10 thế hệ thầy cô, mà chủ yếu cũng là cựu sinh viên của Khoa. Nhờ đó truyền thống của khoa được xây dựng và bồi đắp không ngừng, tạo nên những giá trị hết sức quý báu, không dễ gì một cơ sở đào tạo khác có được.
Đó trước hết là truyền thống nhân văn, như tên gọi của Trường hiện nay (không chỉ mang hàm ý một lĩnh vực khoa học) – nhân văn trong ứng xử giữa các đồng nghiệp và giữa thầy cô với sinh viên, với việc đề cao những giá trị và phẩm cách của cá nhân con người. Tôi thường được nhiều cựu sinh viên của Khoa, Trường chia sẻ niềm tự hào này khi có dịp so sánh với những hiện tượng ứng xử phi nhân văn trong môi trường giáo dục, bị dự luận xã hội lên án.
Thứ đến là niềm đam mê – ở thầy cô là đam mê với nghề, ở sinh viên là đam mê với lĩnh vực tri thức để tích lũy những điều kiện cho công việc sau khi ra trường. Có một điều đặc biệt là sinh viên của Trường ĐHKHXH-NV nói chung, khoa Văn học nói riêng, đa phần (trên 70%) là con em nông dân và gia đình sống ở nông thôn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhiều trường hợp rất khó khăn. Nhưng đã có nhiều tấm gương vượt khó, say mê học tập, được lưu truyền trong nhiều thế hệ thầy trò và được nhắc đến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Nét truyền thống thứ ba – sự năng động và sáng tạo. Ngoài các thầy cô làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở Trường – một cơ sở đào tạo có chức năng truyền bá và sáng tạo tri thức, rất nhiều cựu sinh viên của Khoa hiện nay khẳng định được vị trí của mình trên nhiều lĩnh vực công tác một phần là nhờ tinh thần năng động và khả năng sáng tạo được kích thích và rèn luyện từ những năm học tập tại Khoa.
Có lẽ vì những nét “nổi trội” đó mà thầy Nguyễn Hùng Vỹ - một cựu sinh viên khóa 18, đã “định tính” cho Khoa bằng hai câu thơ:
Khoa Văn Tổng hợp chúng mình
Đa tài, đa dạng, đa tình, đa … mang (!)
Dĩ nhiên, 60 năm qua là sự “vượt gộp” (chữ của cố giáo sư Trần Đình Hượu – cựu sinh viên khóa 1) của nhiều thế hệ, gắn với những điều kiện và đòi hỏi của mỗi thời. Do vậy, truyền thống của Khoa Văn học sẽ không khô kiệt khi những giá trị của nó thường xuyên được các thế hệ thầy trò chăm lo vun đắp để ngày càng phát triển vươn lên.
Thưa Phó Giáo sư, xuất phát từ góc nhìn văn học nước ngoài, lĩnh vực mà thầy đang trực tiếp giảng dạy, thầy có chia sẻ gì về những ứng dụng kiến thức, kỹ năng, giá trị môn học này của cử nhân Văn học sau khi ra trường gắn với thực tế thị trường lao động ở Việt Nam?
- Cùng với kiến thức về văn học dân tộc, kiến thức về các nền văn học thế giới nằm trong khối kiến thức chuyên môn mà một cử nhân tương lai ngành Văn học cần được trang bị. Việc hiểu biết những giá trị tinh hoa của các nền văn học dân tộc trên thế giới, trước hết là những nền văn học dân tộc có quan hệ tiếp xúc, ảnh hưởng với văn học của nước ta sẽ làm giàu có thêm “phông” văn hóa của người học. Thêm vào đó, việc hiểu “người khác” để từ đó có những tham chiếu, so sánh sẽ giúp cho việc nhận thức “mình” một cách đầy đủ và tích cực hơn.
PSS.TS Phạm Gia Lâm (giữa) cùng Ban tổ chức của một Hội thảo khoa học ngành văn học. Ảnh: NVCC
Trong hoạt động thực tiễn hiện nay, bất cứ ở lĩnh vực nào cũng bị tác động, chi phối bởi quá trình toàn cầu hóa. Cho nên những kiến thức về văn học/văn hóa nước ngoài sẽ giúp cho những cuộc đối thoại văn hóa, dẫu ở cấp độ nào, trở nên tích cực hơn, góp phần làm sâu sắc thêm bản sắc dân tộc của Việt Nam. Ấy là chưa nói đến khả năng rộng hơn (đã có trường hợp là hiện thực): một cử nhân Văn khoa có thể làm việc như là một “công dân thế giới”.
Theo quan sát nhiều năm của thầy, mô hình đào tạo cử nhân khoa học ngành Văn học của trường ĐHKHXH-NV (ĐHQG Hà Nội) có những hạn chế gì trong việc hình thành sản phẩm đầu ra, trong mối tương quan với nguồn nhân lực của ngành đào tạo khác có việc làm tương đồng?
- Mô hình đào tạo cử nhân của ta đang có sự chuyển dịch từ mục tiêu lấy trang bị kiến thức ngành, chuyên ngành làm trọng tâm sang mục tiêu chú trọng kết hợp trang bị cả kiến thức nền tảng của ngành và định hướng chuyên ngành với kiến thức nghiệp vụ. Bài toán kết hợp kiến thức và kỹ năng ở trình độ cử nhân sao cho hợp lý đòi hỏi phải đổi mới không chỉ chương trình đào tạo mà cả cách dạy của thầy và cách học của trò. Ở chương trình đào tạo, điều quan trọng khi thiết kế là phải xác định được chuẩn đầu ra phù hợp với những vị trí công việc mà một cử nhân văn học tương lai có thể đảm nhiệm.
Có một đặc thù của ngành là các cử nhân tương lai ngành văn học có thể làm việc ở rất nhiều lĩnh vực, không chỉ văn hóa-xã hội mà cả kinh tế-kỹ thuật nữa. Vậy nên mọi sự đổi mới về chương trình đào tạo, cách dạy và học cần tuân thủ nguyên tắc (có người gọi là triết lý): Đào tạo không phải là công việc đổ đầy một cái thùng mà là khơi dậy ngọn lửa đam mê sáng tạo. Từ những đòi hỏi như vậy, không khó nhận ra những bất cập của chương trình đào tạo và công tác dạy-học hiện nay để có giải pháp khắc phục hữu hiệu.
PGS.TS Phạm Gia Lâm (thứ 2 từ phải qua) cùng Phó Chủ nhiệm khoa Văn học Đinh Thanh Hiếu (khóa 34), giảng viên Nguyễn Thùy Linh (K46) và sinh viên Vũ Trà My (K61 khoa Ngôn ngữ học) thăm Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm- nguyên sinh viên khóa 4, cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn, ĐHTH Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Thưa thầy, trong thời gian tới đây, khoa Văn học nói riêng và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung, có kế hoạch phát triển, đổi mới cách đào tạo, ngành đào tạo, lựa chọn chất lượng đầu vào và kiểm soát đầu ra như thế nào để cử nhân Văn học có chất lượng cao và sát với yêu cầu tuyển dụng việc làm hiện nay?
- Chất lượng của sản phẩm đào tạo phụ thuộc vào nhiều khâu của quá trình đào tạo, từ tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá, những điều kiện, nguồn lực (cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính…) phục vụ đào tạo. Đối với tuyển sinh, nhà trường đang tiếp tục thực hiện phương thức kiểm tra đánh giá năng lực theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội (qua 3 năm thực hiện, phương thức này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích và nhiều trường ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng).
Đối với chương trình đào tạo, như trên đã nói, kiến thức hướng chuyên ngành và kiến thức nghiệp vụ được chú trọng với những môn học có nội dung tương ứng và thời lượng thích hợp. Việc mời các tổ chức đánh giá ngoài như Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng (AUN-QA) tiến hành kiểm định chất lượng định kỳ theo chuẩn đầu ra (trong đó có sự tham gia của đại diện các đơn vị, cơ quan sử dụng sinh viên tốt nghiệp) đã và đang tiếp tục thực hiện sẽ giúp xác định được những tồn tại cần giải quyết.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!