Gần 10 năm trong nghề báo, tôi không nhớ rõ đã bao lần xách ba lô ngược xuôi trên đất Bình Định. Ở đó, có nền võ học Tây Sơn luôn hội đủ những yếu tố đồng nhất: Võ lý, võ thuật, võ đức, võ đạo. Tôi chỉ nhớ rằng, lần nào cũng có “quà” mang về. Đó là những câu chuyện kể về các danh sư đất võ, những người đã và đang gìn giữ tinh hoa võ học nơi đây, góp phần đúc kết thêm bề dày lịch sử cho nền võ học nước nhà. Đây là lần thứ 2 tôi gặp danh sư Phan Thọ. Vẫn ánh mắt bén sắc, tinh anh, nụ cười cởi mở đón khách như những lần ông chào đón cuộc tỉ thí trên võ đài.
Danh sư Phan Thọ múa đao - một trong “Thập bát ban binh khí” |
Dùng gốc tre hạ gục lợn rừng to như cọp
Ở tuổi ngoại bát tuần, danh sư Phan Thọ được xem như người anh cả, pho tư liệu sống của 18 môn binh khí: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung, với 54 bài múa võ mà người dân Tây Sơn vẫn quen gọi là “Thập bát ban binh khí”. Đây là tinh hoa võ học Bình Định mà trước đây anh em vua Quang Trung - Nguyễn Huệ từng dày công đúc kết, đánh 29 vạn quân Thanh chết như ngả rạ.
Một đời đấu võ, danh sư Phan Thọ chỉ bại trận một lần khi thượng đài với võ sư Bùi Xuân Cảnh năm 1959. “Mới đầu, tôi cứ nghĩ 20 năm chinh chiến trong nghề là đã hội đủ bản lĩnh lên đài. Nhưng tôi đã nhầm khi bị võ sư Cảnh nhanh chóng đánh bại. Sau trận thua đó, tôi vừa quyết luyện “Thập bát ban binh khí”, vừa theo học võ Thiếu Lâm của cụ Sáu Tàu (võ sư Diệp Trường Phát). Sau này thượng đài lại với võ sư Cảnh, tôi chiếm ưu thế. Và tiếp đó là trăm lần thượng đài bất bại cả trăm” - danh sư Phan Thọ tự hào.
Kỷ niệm nhớ nhất đối với danh sư Phan Thọ là lần một võ sĩ Hàn Quốc sang thăm Việt Nam năm 1998, khi nghe danh sư có cú đá gãy chân giường đã tìm đến tận nhà thách đấu. Sau 2 hiệp, võ sĩ này bị danh sư hạ gục. Thấy sự lợi hại của “Thập bát ban binh khí”, võ sĩ này xin ở lại gần một tháng thọ giáo. Trước đó 34 năm (1964), cũng bằng 18 loại võ khí này, danh sư Phan Thọ đã dùng gốc tre làm côn hạ gục một con lợn rừng có răng nanh dài hơn gang tay, mình to như con cọp ở thôn Thủ Thiện Hạ (xã Bình Nghi, Tây Sơn) khiến hàng ngàn người dân khiếp sợ.
Đang hừng hực khí thế, giọng danh sư bỗng nhiên chùng xuống, trĩu nặng ưu tư. Tôi hiểu, ông đang lo lắng cho tương lai của nền võ cổ truyền Bình Định khi mà võ sinh trên võ đường ngày một vắng bóng. Do áp lực kinh tế, chính mấy người con của ông dù mới học được mấy bài múa của “Thập bát ban binh khí” đã phải xuống phố mở lò kiếm sống. Đặt tay lên trán, danh sư lẩm nhẩm: “Tại sao võ Thiếu Lâm, Vịnh Xuân quyền của Trung Quốc, karate của Nhật Bản luôn quảng bá được hình ảnh, còn võ cổ truyền Bình Định có bề dày hàng trăm năm lại lụi tàn?”. Cả chục năm rồi, câu hỏi ấy vẫn luẩn quẩn trong đầu danh sư.
Võ đường của danh sư Phan Thọ giờ đóng cửa im ỉm |
Theo danh sư Phi Long Vịnh, để lĩnh hội được ý nghĩa bài quyền pháp này, người nào thông minh, tinh anh lắm cũng mất vài chục năm. “Ngọc trản thần công” khi ra đòn phải liên hoàn và khi xung trận tấn công đối phương, không được nương tay lúc họ chưa gục ngã. Vì thế, 28 thế của “Ngọc trản thần công” người học võ phải nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối mới sử dụng được, nếu không rất hại cho bản thân.
“Ngọc trản thần công” trăm trận bất bại
Chia tay danh sư Phan Thọ, tôi tìm đến võ đường Phi Long Vịnh (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - một trong những võ đường còn chút tiếng tăm sót lại trên đất võ Bình Định. Danh sư Phi Long Vịnh năm nay 74 tuổi. Trong sử sách viết rằng, ông nội của danh sư Phi Long Vịnh từng là học trò của võ sư Trương Văn Hiến - sư phụ của ba anh em Nguyễn Huệ. Phi Long Vịnh được người cha Trương Cẩn dạy An Nam quyền từ khi lên 8 tuổi. Cũng như danh sư Phan Thọ, một đời võ hiệp của danh sư Phi Long Vịnh với hàng trăm lần thượng đài không biết mùi thất bại. Thành tích đó có được là nhờ vào 2 bí kíp võ công “Ngọc trản thần công” và “Thái Sơn côn”.
Danh sư Phi Long Vịnh bảo: “Đến giờ vẫn chưa ai biết “Ngọc trản thần công” xuất xứ từ đâu”. Vừa nói, ông vừa giơ tay chém ngang, chém dọc trong không khí - cánh tay cứng như sắt, nhưng lúc ra đòn thật mềm mại và dẻo như nghệ sĩ múa. Nhờ hội đủ những tuyệt kỹ của “Ngọc trản thần công”, Phi Long Vịnh đã có 2 lần thượng đài đi vào huyền thoại. Năm 1962, lúc đang ở Vũng Tàu, có một võ sĩ người Cao Miên, cao 1,8m, nặng trên 80kg tỏ vẻ khinh khi võ Bình Định, nên thách danh sư đấu 5 hiệp. Lúc đầu, những cú ra đòn như búa bổ của võ sĩ Cao Miên thắng thế. Nhưng về sau, Phi Long Vịnh sử dụng chiêu hư hư thực thực của “Ngọc trản thần công”, lướt nhanh vào người đối phương, vờ để hở bộ thủ để đối phương ra đòn rồi tung một loạt liên hoàn quyền vào thái dương, hạ gục võ sĩ Cao Miên.
Trận thứ 2, ông đấu với một võ sư taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc vào năm 1968 tại Gia Lai. Danh sư Phi Long Vịnh đã xuất chiêu hổ trảo móc mạng sườn, kéo xuống bụng hạ đối phương sau vài cái chớp mắt. Danh sư chia sẻ, từ lần thi triển tuyệt kỹ võ công năm 2007 ở Italia, trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm võ sư đến từ 40 nước trên thế giới và Tổng hội Quán Khí Đạo Phạm Xuân Tòng, đến nay, ông mới tái ra đòn bài quyền vô địch đãi khách.
Cũng như danh sư Phan Thọ, danh sư Phi Long Vịnh mong muốn làm sao võ cổ truyền Bình Định phải khôi phục được vị thế của một đại danh môn trong kho tàng võ Việt. Bởi nay, bóng dáng của võ sinh tại các võ đường quá hắt hiu. Ai cũng biết, võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn nghệ thuật chiến đấu mà còn tu tâm, bổ đức, rèn luyện khí khái anh hào cho người Việt, xứng được xem là Quốc võ. Những lần biểu diễn quốc tế, Liên hoan võ thuật cổ truyền quốc gia, võ Bình Định luôn đạt thứ hạng cao, vì thế cần phải được khôi phục vị thế trên diễn đàn võ Việt.
Với trên dưới 200 võ đường trên đất Bình Định, chúng ta hãy kỳ vọng tâm tư cháy bỏng của các danh sư đất võ sẽ được thỏa nguyện, võ Bình Định sẽ vang danh khắp thế giới nhờ vào những động thái tích cực từ các đơn vị đang làm chủ diễn đàn võ cổ truyền Việt Nam.