Dân Việt

Tỷ phú liệt chân và câu chuyện tình với người vợ hơn 8 tuổi

17/01/2013 13:39 GMT+7
(Dân Việt) - Câu chuyện về người đàn ông bị liệt hai chân từ nhỏ với nghị lực phi thường đã trở thành tỷ phú được truyền kể. Cuộc đời của người tỷ phú đặc biệt còn nổi tiếng bởi tình yêu với người phụ nữ hơn ông 8 tuổi.

Ông là Đôn Đức Hùng ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội.

Mặc dù đã được nghe nhiều câu chuyện kể về ông, song khi về thăm nhà của “dị nhân”, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi đồ sộ do một tay ông gây dựng.

img
Ông Đôn Đức Hùng bên đàn gà của mình

Gian nan vượt lên số phận

Sinh năm 1958, ông Đôn Đức Hùng là con út trong một gia đình đông anh em. Lên một tuổi, cơn sốt viêm màng não ập đến đã cướp đi của ông đôi chân khỏe mạnh. Mặc dù được bố mẹ chạy vạy tìm thầy, tìm thuốc khắp nơi nhưng đôi chân ông vẫn vô phương cứu chữa. Kể từ đó, ông vĩnh viễn không thể tự đứng và đi trên đôi chân của mình.

Ngày ấy, dù nhà nghèo nhưng ông lại là người có chí nên bố mẹ vẫn cho ông đến trường cùng các bạn. Lên 9 tuổi, mẹ ông mất. Bố ông quyết định nghỉ hưu sớm để về chăm sóc các con. Hiểu nỗi lòng của bố, Hùng luôn cố gắng học thật giỏi. Hết cấp 2, ông muốn học lên tiếp nhưng nghĩ đến người bố đã hơn 60 tuổi ngày ngày phải cõng con đi bộ vài chục cây số đến trường, ông quyết định nghỉ học, tìm việc làm để tự nuôi bản thân.

Nhớ lại quãng đời trai trẻ, ông kể: “Sau khi thôi học, tôi tự tìm hiểu rồi mở cửa hiệu sửa xe máy. Nhờ cơ duyên với cái nghề đầu tiên này mà tôi có được “đôi chân” mới. Sau này, tôi mày mò tự chế ra chiếc xe 3 bánh để đi lại, hỗ trợ công việc làm ăn và cuộc sống hằng ngày”. Với đầu óc nhạy bén, ông liên tục chuyển qua nhiều nghề từ làm kem, làm đá đến xay lúa, xát gạo, nạp ắc-quy, làm mì, phở, bún để mưu sinh.

img
Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười

Ông Hùng có tất cả 3 người con và 11 cháu nội, ngoại. Niềm hạnh phúc khi về già của ông là ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ. Các cháu biết thương yêu và nghe lời ông bà hết mực.

Cuối những năm 1980, chàng trai khuyết tật Đôn Đức Hùng trở nên nổi tiếng khắp xã, khắp huyện khi tự tạo ra chiếc xe ba bánh có gắn động cơ để đi lại. Có xe, ông quyết định lên vùng núi Chiêm Hóa (Tuyên Quang) kiếm kế sinh nhai bằng nghề nạp ắc-quy cho đồng bào các dân tộc ít người.

Ông Hùng nhớ lại: “Mỗi chuyến đi miền núi thường kéo dài hàng tuần. Cứ cuối tuần, tôi xuống Hà Nội lấy hàng rồi lại đi. Khó khăn nhất vẫn là đường xá. Núi cao, vực sâu, mắt lúc nào cũng căng ra, lơ đễnh một chút là mất mạng như chơi”. Nghề nạp ắc-quy gắn bó với ông từ năm 1978 - 1992, sau đó ông mới bắt tay vào nuôi gà - nghề đưa ông trở thành tỷ phú.

Tình yêu không khoảng cách

Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ tảo tần. Với ông Hùng cũng vậy, người phụ nữ luôn đứng sau ủng hộ ông là người vợ thân yêu Hoàng Thị Yêu (SN 1950). Hai người quen nhau trong một lần ông sang làm nghề ở xã Yên Sơn. Từ sự cảm phục về nghị lực vượt khó, bà Yêu đã đem lòng quý mến ông. Song mọi chuyện không đơn giản như người ta nghĩ, bởi ai cũng biết ông Hùng không phải người lành lặn. Gia đình bà Yêu không cho bà cưới ông vì sợ ông không thể sinh con. Thế rồi tình yêu của đôi trai gái đã vượt qua tất cả để dựng lên hạnh phúc.

Năm 1978, hạnh phúc đến với người đàn ông bại liệt khi đám cưới diễn ra trong niềm vui của gia đình và làng xóm. Bà Yêu kể lại: “Hồi đó gia đình tôi phản đối dữ lắm, nhất quyết không cho tôi lấy vì sợ ông ấy không sinh được con. Thế nhưng, tôi mặc kệ. Vì cảm phục nghị lực của người đàn ông ấy nên tôi yêu thương và muốn cùng ông chung sống. Tôi bảo với gia đình là không đẻ được thì nhận con nuôi. Vậy mà sau khi lấy nhau, vợ chồng tôi đẻ sòn sòn luôn 3 đứa”.

img
Bà Hoàng Thị Yêu - vợ ông Hùng - vẫn tần tảo với công việc hằng ngày

Lập gia đình, cuộc sống đòi hỏi ông Hùng phải lo toan kinh tế nhiều hơn. Ông quyết định chuyển sang một công việc có lợi nhuận cao là chăn nuôi gà. Nhớ lại quãng thời gian mới bước vào nghề, ông Hùng chỉ dám nuôi đàn nhỏ vài chục con, thực hiện chính sách “lấy ngắn nuôi dài”. Thế rồi, đàn gà cứ sinh sôi nảy nở.

Người tàn tật giúp người lành

Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Hùng còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Ông Lý Văn Tuấn, người trông nom trang trại gà cho ông Hùng, chia sẻ: “Thường thì chỉ thấy người lành giúp người tàn tật. Nhưng ông Hùng mặc dù tàn tật lại giúp chúng tôi có công ăn việc làm thì quả là đáng quý!”.

Ông quyết tâm chạy vạy tiền để mua máy xay xát, máy nghiền chế biến thức ăn cho gà. Cuộc sống gia đình ông dần được cải thiện. Bước sang năm 2000, đàn gà nuôi tại vườn nhà đã trở nên quá tải so với diện tích hiện có. Ông mở rộng quy mô sang chăn nuôi chuồng trại. Năm 2004, ông mua lại vùng đất đang thầu rộng khoảng 8 sào ở ngoài đồng, tách biệt hẳn với làng xóm. Đây là khu đất rộng trên bãi bồi sông Đáy.

Trời chẳng phụ công người, sự nghiệp chăn nuôi của ông cứ thế phát triển. Hiện tại ông Hùng có 2 trang trại gà, nhiều người dân quanh vùng cũng noi theo ông mà phát triển nghề này. Đến thăm trại gà nhà ông Hùng, chúng tôi khá bất ngờ trước những thiết bị kỹ thuật được lắp đặt ở đây và càng bất ngờ hơn khi biết đó là sáng kiến của ông, do ông tự thiết kế và lắp đặt.

Vợ ông - bà Yêu - vẫn tần tảo với công việc hằng ngày bên người chồng giàu nghị lực. Hiện cơ ngơi của ông đang được người con trai út Đôn Đức Trung dần tiếp quản. Anh Trung luôn tự hào và khâm phục trước nghị lực của cha mình. Bài học mà người cha đáng kính đã dạy anh là “trong cuộc sống phải chịu khó học hỏi, sống thật và luôn luôn biết nắm lấy cơ hội để vươn lên”.

Theo Dòng Đời